Năm 2012, Chính phủ đã hai lần giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tháng 3-4) và 500.000 tấn gạo (tháng 7- 8) nhưng tình hình giá lúa, gạo của nông dân vẫn không được cải thiện.
Theo Cục Chế biến – Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), giao cho VFA đảm nhận tạm trữ như trước đây là không ổn. VFA đã chỉ đạo các đơn vị thành viên hoàn thành tạm trữ về số lượng nhưng phương thức này bộc lộ quá nhiều hạn chế, không kiểm soát được việc mua - bán lúa gạo của DN. Hầu như DN không mua thóc gạo trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái, vì vậy, nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tạm trữ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đều khẳng định, chính sách tạm trữ lúa gạo đã thất bại về mục tiêu đảm bảo cho nông dân có lãi từ 30% trở lên. Nhiều khi ngay tại thời điểm thu mua tạm trữ, giá lúa đứng im hoặc chỉ nhích lên không nhiều, chỉ 50 – 100đ/kg, thậm chí còn sụt giảm.
Ba phương án tạm trữ
Để xử lý những tồn tại trên, theo nhiều chuyên gia, Dự thảo đưa ra phương thức mới nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ sản xuất, nâng giá bán và thu nhập cho nông dân.
Theo hướng đó, Cục Chế biến – Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối đề xuất 3 phương án:Thứ nhất, hộ nông dân vay vốn của ngân hàng được hỗ trợ 100% lãi suất để đầu tư cho vụ mới, đồng thời tạm trữ lúa gạo ngay tại nhà. Thứ hai, DN kinh doanh thóc gạo được vay vốn để trực tiếp mua thóc gạo của nông dân. Thứ ba, nông dân tạm trữ thóc tại kho của DN (do Sở Công Thương và VFA chỉ định) theo hình thức nông dân thuê kho tạm trữ hoặc DN ký hợp đồng nhận tạm trữ và mua thóc của nông dân. Thời gian tạm trữ trong 3 tháng, nông dân và DN thực hiện tạm trữ sẽ được vay số vốn tương đương với giá trị của lượng thóc dự trữ và được hỗ trợ 100% lãi suất. Điều kiện để được tạm trữ, các hộ phải có lượng thóc từ 5 tấn trở lên.
Ông Đỗ Văn Nam- Cục trưởng Cục Chế biến – Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối – cho rằng, đây là phương pháp tối ưu nhất, chấm dứt tình trạng thương lái làm mưa, làm gió như hiện nay, đồng thời giúp phát triển hệ thống kho.
Không chờ giá thấp
Nhiều ý kiến cho rằng, đa số nông dân sau mỗi vụ thu hoạch, đều phải bán ngay thóc gạo để lấy tiền đầu tư cho vụ mới, trước khi Chính phủ ra chính sách tạm trữ. Do vậy, giá thóc gạo tăng lên nhờ tạm trữ nhưng nông dân không được lợi. Vì vậy, không nên cố định thời gian tạm trữ như trước đây, mà chỉ nên áp dụng theo nguyên tắc tự động, khi nào giá thóc thị trường thấp hơn giá định hướng, không đảm bảo cho nông dân lãi 30%, hoặc mức tồn kho lớn, lập tức tạm trữ.
“Tạm trữ lúa gạo là việc làm hàng năm, không phải chờ giá xuống mới tạm trữ” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Nương- Trưởng Phòng Nông, lâm, thủy sản - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng: “Giá cả theo cơ chế thị trường, nên khi giá lúa xuống thấp hơn giá thành, nhà nước mới tạm trữ. Khi tính giá mua tạm trữ, nên căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương để giao UBND tỉnh tính toán trên cơ sở năng suất và sản lượng của từng vụ để mua cho nông dân có lãi, sẽ sát thực tế hơn”.
Để tham gia tạm trữ, DN phải có hợp đồng mua thóc gạo trực tiếp với nông dân và có xác nhận của địa phương. Nông dân tạm trữ tại nhà phải có phiếu xác nhận của chính quyền cấp xã. Nông dân tạm trữ tại kho doanh nghiệp phải có phiếu xác nhận. |