Nếu không quản lý chặt việc sản xuất và kinh doanh cây giống cam, hệ lụy sẽ khó lường.
Nghệ An cần quản lý chặt giống cam.
Trôi nổi và khó kiểm soát
Anh Nguyễn Trọng Hải, xóm Tổng đội, xã Thanh Đức (Thanh Chương) đã có gần 10 năm gắn bó với nghề cam nhưng vẫn chưa tìm được giống cam có nguồn gốc rõ ràng. Anh Hải cho biết, năm 2004 anh sử dụng giống cam Vân Du lùn do nông trường cam lấy về từ Viện Bảo vệ thực vật Trung ương. Đến năm 2011, anh phát triển thêm 2ha nhưng lần này anh tự lấy mắt từ vườn cây cũ của mình và đưa gửi vườn ươm ở hộ dân khác trong vùng. “Tôi chọn vườm ươm có cây chủ đẹp, cắt mắt đưa đến gửi ươm và đưa về trồng. Cây cam phát triển tốt, không bị bệnh, nhưng đến khi cho quả lại bị quả “ngơ”, rụng nhiều, một số vườn bị bệnh vàng lá, thối rễ. “Hiện, tôi đang định mở rộng thêm diện tích cam nhưng thật sự vẫn chưa yên tâm về nguồn giống vì giống ươm ghép kiểu này về rất hay bị bệnh”, anh Hải chia sẻ.
Nếu người trồng cam hầu hết chọn giống theo cảm quan thì những hộ sản xuất, kinh doanh cây giống chỉ mới dừng lại ở công đoạn nhận ghép cây khi chủ vườn chỉ định cây làm mắt ghép.
Bắt đầu chuyển sang làm vườn ươm giống cây từ 4 năm nay, ông Trần Thanh Hưng, xóm Minh Thắng, xã Minh Hợp huyện Quỳ Hợp cho biết: Mỗi năm, vườn ươm của ông sản xuất khoảng 20.000 cây giống, nhưng trong vườn cũng chỉ có một số gốc cam để lấy mắt ghép vì cây giống hầu hết được sản xuất theo chỉ định của khách hàng. “Hạt để làm cây chủ được mua ngoài Bắc, ươm lên thành cây và chăm sóc, phải thường xuyên phòng trừ sâu bệnh vì cam là loại cây rất hay bị bệnh vàng lá, ghẻ, sâu vẽ bùa. Quy trình trồng và chăm sóc cây ngoài dựa vào kinh nghiệm, còn được cán bộ khuyến nông và các công ty cung ứng giống tổ chức tập huấn thường xuyên. Để có cây giống sạch bệnh, cây chủ mang tính chất quyết định, sau đó là khâu chăm sóc. Chỉ cần chắp đẹp, mắt đảm bảo chất lượng thì sẽ cho ra cây giống tốt”, ông Hưng khẳng định.
Thế nhưng theo quy định, cây giống cam đảm bảo chất lượng phải được sản xuất trong điều kiện đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, phải tạo cây đầu dòng sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng, cây giống được sản xuất trong hệ thống nhà lưới, với các quy trình nghiêm ngặt như nhà lưới phải cách vùng bệnh ít nhất 3km, dùng mắt ghép sạch lấy từ vườn ươm mắt ghép, với hàng rào chắn gió, định kỳ giám định và trước khi xuất vườn các cây giống đều phải có chứng chỉ sạch bệnh.
Siết chặt quản lý giống cam
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Nghệ An có 5.069ha cam đựợc trồng tập trung. Chính sự phát triển “nóng” cây cam đã kéo theo sự bất cập về nhiều vấn đề mà trước hết là nguồn giống sạch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 3 giống cam chủ yếu là cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Valencia, còn lại là các giống cam BH, cam Sông Con, cam Bù. Trên địa bàn, một số vườn cam đã trồng lâu năm, tuổi cây đã cao, giống thoái hóa đòi hỏi luân canh, thay thế, cùng với đó là diện tích phát triển mới tăng nhanh chóng. Việc sản xuất giống cây cam trên địa bàn để có thể đáp ứng yêu cầu còn nhiều bất cập, ngoài một số ít đơn vị có đăng ký sản xuất, kinh doanh giống, còn lại chủ yếu do các tổ chức, cá nhân hộ gia đình tự sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường, chưa kiểm soát được chất lượng cây bố mẹ, chưa được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Các cành ghép, mắt ghép được lấy từ các cây mẹ không được trồng cách ly bằng nhà kính, nhà lưới nên không kiểm soát được dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá, gân xanh… Hầu hết giống cam bán ra trên thị trường không được dán nhãn hàng hóa để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Việc trà trộn giống kém chất lượng vào giống tốt khó kiểm soát và phân biệt.
“Việc kiểm soát các nguồn bệnh từ giống cam rất khó, vì hiện nay việc sản xuất cây giống đang được lấy từ các cây mẹ trồng trong vườn cam chưa được cách ly bằng nhà kính, nhà lưới. Việc tuân thủ các quy định của Nhà nước còn hạn chế dẫn tới các giống cam kém chất lượng vẫn được lưu thông, gây thiệt hại cho người sản xuất. Trong khi đó, việc lai tạo giống mới, sản xuất cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và đưa vào khảo nghiệm, sản xuất thử đối với cây cam đòi hỏi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và phải nghiên cứu ít nhất 3 - 4 năm, thậm chí hàng chục năm mới có sản phẩm để đánh giá chất lượng, trong khi nhu cầu cây giống thực tế rất lớn nên số cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được cấp giấy chứng nhận không đủ để sản xuất cây giống đại trà”, ông Nguyễn Tiến Đức lo ngại.
Giống là yếu tố tiên quyết trong phát triển các loại cây trồng, nhất là với cam loại cây trồng dài ngày. Để tạo được nguồn giống tốt, Nghệ An cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, trên cơ sở các giống cam đã có, cần lựa chọn ra giống cam chất lượng và sạch bệnh để xây dựng nguồn gen cây đầu dòng, vườn cây giống và cấp chứng chỉ vườn giống đảm bảo chất lượng, nhân giống trồng tại các vùng quy hoạch trồng mới. Đồng thời đặt hàng nghiên cứu lai tạo giống mới có nhiều đặc tính ưu việt. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cam và kiên quyết xử lý các vi phạm. Nhà nước cần hỗ trợ nâng cấp các cơ sở đã được cấp phép sản xuất kinh doanh cây giống để cấp giấy chứng nhận, quy việc sản xuất, kinh doanh giống vào các đầu mối tập trung nhằm hạn chế việc sản xuất kinh doanh giống cam tràn lan như hiện nay. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống nhằm tạo nguồn giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh để cung cấp ổn định và lâu dài cho thị trường.
Sỹ Thăng/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn