Trong ngày 08/9/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.
1. Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà: Formosa cần lấy lại niềm tin của người dân Việt Nam – Tác giả Thanh Hoài: Sáng nay, đoàn công tác của Bộ TNMT do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Đến nay FHS triển khai và đang từng bước hoàn thiệncông tác khắc phục thiếu sót trong bảo vệ môi trường, quản lý chất thải… Trong quy hoạch vận hành thử lò cao số 1, FHS quy hoạch xây dựng thêm 2 bồn nước thải sự cố có dung tích bồn 10.000m3 ở trạm xử lý nước thải sinh hóa và 2 bồn nước thải sự cố, dung tích mỗi bồn 50.000m3 ở trạm xử lý nước thải công nghiệp.FHS cam kết nếu như nước xả thải không đạt tiêu chuẩn thì lò cao số 2 sẽ không thử máy và đưa vào vận hành. Bí thư Tỉnh ủy – Lê Đình Sơn yêu cầu FHS thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ ngành liên quan nhằm khắc phục triệt để, hoàn thiện công nghệ, tuyệt đối không được tái vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Khi chưa khắc phục xong và chưa được phép của cơ quan chức năng, tuyệt đối không được vận hành hoạt động các hạng mục. Bộ trường Bộ TN-MT, Trần Hồng Hà đề nghị FHS bên cạnh việc thực hiện 58 nội dung liên quan đến kế hoạch, cần tập trung xử lý cơ bản, lâu dài các yêu cầu liên quan đến nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải; tập trung xử lý cơ bản theo quy trình, tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, đặc biệt, phải xây dựng ngay hồ chỉ thị sinh học, giúp người dân tin tưởng, giám sát về chất lượng.
Ưu tiên sản phẩm chủ lực có lợi thế trong vụ đông 2016 – Tác giả Nguyễn Oanh, Hữu Trung:Chiều 8/9, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ đông 2016 và sơ kết 2 năm thực hiện đề án phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm giai đoạn 2014- 2015.Sau 2 năm thực hiện đề án phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ, kiểm soát trong diện hẹp; các loại dịch bệnh đều giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên, các địa phương và xã điểm vẫn còn nhiều hạn chế.Vụ đông 2016, ngành NN&PTNT định hướng xây dựng sản xuất theo hàng hóa, ưu tiên các sản phẩm chủ lực có lợi thế; củng cố các loại hình liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT về giống, công nghệ và tăng cường quản lý nhà nước về SX-KD vật tư nông nghiệp, VSATTP và bảo vệ môi trường…
Xây dựng hạ tầng - 'đòn bẩy' phát triển vùng thượng Kỳ Anh – Tác giả Phúc Quang:Hiệu quả từ các chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi đáng kể đời sống xã hội của người dân vùng thượng Kỳ Anh, thế nhưng các tiêu chí liên quan đến hạ tầng trở thành những “thách thức” đối với các xã này.Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Danh cho biết, do đặc thù vùng rừng núi, đất rộng, phân bố dân cư không tập trung, đời sống người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực tại chỗ (vốn đối ứng của người dân) để xây dựng hạ tầng là rất khó khăn.Để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng thượng Kỳ Anh rất cần những chính sách đặc thù, sự hỗ trợ lớn hơn nữa của Nhà nước hoặc “hợp tác công - tư” trong việc xây dựng hạ tầng KT-XH.Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng hạ tầng trong NTM của tỉnh đối với các xã miền núi đã được ưu tiên phân bổ nhiều hơn so với xã đồng bằng. Tuy nhiên, con số này đang rất ít ỏi, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu. Vì vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng cho các xã miền núi.
2. Báo Nông thôn ngày nay (điện tử Dân Việt đăng các tin, bài)
- Độc đáo cách nuôi gà sinh sản kiếm 4 tỷ đồng/năm – Tác giả Trịnh Lan: Năm 2005, ông Văn Hữu Vượng ở thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)thả hơn 300 con giống gà trên đồng đất rộng với mục đích lấy phân bón cho cây.Sau nhiều chuyến học hỏi, nhận thấy nhu cầu nguồn giống gia cầm ở trong và ngoài tỉnh rất lớn song chất lượng không bảo đảm, tỷ lệ trứng nở đạt thấp, năm 2006, ông dồn toàn bộ số tiền tích cóp được và vay mượn thêm xây dựng trang trại nuôi hơn 5 nghìn gà đẻ trứng để ấp nở cung cấp giống cho thị trường. Chuồng nuôi được thiết kế khép kín gồm các dãy ngay hàng, thẳng lối, có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông và làm mát trong mùa hè. Gà được nuôi trong lồng bằng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất, tránh mầm mống gây bệnh. Lợi nhuận cao, ông tiếp tục mở rộng trang trại, tăng quy mô đàn. Hiện khu nuôi gồm 2 chuồng, 24 dãy với hơn 3 vạn con, trong đó hơn 1,5 vạn gà bố mẹ đang sinh sản còn lại là đàn hậu bị. Bình quân mỗi ngày cho ra lò hơn 8 nghìn quả trứng. Với 9 lò ấp tự động điều chỉnh nhiệt độ công suất lớn, mỗi ngày gia đình xuất bán hơn 5 nghìn con giống.Từ đầu năm đến nay, giá gà giống dao động từ 7 - 12 nghìn đồng/con, trừ chi phí thu lãi khoảng 15 triệu đồng/ngày. Năm nay, dự kiến ông thu về hơn 4 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm ngoái.
- Trồng nhãn VietGap, nông dân Hưng Yên hết lo đầu ra – Tác giả Trần Quang: Để giữ thương hiệu “nhãn lồng Hưng Yên”, người trồng nhãn ở vùng đất này không chỉ luôn chăm chỉ, năng động, sáng tạo mà còn tuân thủ quy định sản xuất sạch theo quy trình VietGAP khép kín từ khâu trồng đến khi thu hoạch. sau 2 năm áp dụng quy trình sản xuất mới, người trồng nhãn ở Hưng Yên đã quen với phương pháp sản xuất mới. “Nông dân trồng nhãn giờ chuyên nghiệp lắm, họ áp dụng thuần thục các kỹ thuật mới từ khâu sản xuất đến khi thu hoạch. Chính vì thế mà sản phẩm làm ra có chất lượng ngày càng tốt và được người tiêu dùng đánh giá cao hơn” ến nay vụ nhãn trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng trên dưới 90% với giá bán cao hơn năm 2015 khoảng trên 26.000-30.000 đồng/kgSau 2 năm áp dụng quy trình mới này, sản phẩm nhãn của bà con trồng đều được cán bộ kiểm tra, giảm sát nghiêm ngặt và đều đánh giá đạt chất lượng tốt nên nhãn thu hoạch bán ra thị trường luôn được khách hàng tin dùng và đánh giá cao”
- Nghệ An: Đi gặt thuê vẫn phải đóng phí? – Tác giả Cảnh Thắng: Khi các chủ máy gặt bắt đầu chuyển máy ra đồng để gặt thuê vụ Hè Thu cho bà con thì chính quyền xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đưa ra bản cam kết, nếu một chủ máy gặt muốn hoạt động trên những cánh đồng thuộc địa bàn thì phải nộp vào ngân sách xã 2 triệu đồng/ 1 máy.Với lý do để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khi vào mùa gặt lúa. Ông Lê Văn Thùy – Phó chủ tịch xã Bắc Thành : Vấn đề này từ lâurất phức tạp vì có nạn bảo kê, nếu không vào cuộc thì tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ mất ổn định. Bởi vậy UBND xã đã chỉ đạo công an viên ra tận đồng để kiểm tra bắt các chủ máy ký biên bản đồng thời thu tiền theo quy định, tránh tình trạng nhiều chủ máy hoạt động thiếu kiểm soát trên địa bàn. Số tiền này sẽ nạp vào ngân sách xã, sau này bồi dưỡng cho anh em công an viên và tu sửa lại một số đường nội thôn cho những chiếc máy gặt làm hư hỏng.
- Đăk Song (Đăk Nông): Dự án chưa làm, rừng đã tan hoang – Tác giả Duy Hậu:Năm 2010, UBND tỉnh Đăk Nông đã đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài (trụ sở tại TP.HCM, gọi tắt là Công ty Lâu Đài), đầu tư xây dựng dự án du lịch sinh thái thác Lưu Ly (xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song). Theo đó, công ty này được giao gần 90ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 65ha rừng tự nhiên. Công ty này cũng cam kết sẽ đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng. Tuy nhiên, sau 6 năm Công tymới chỉ đầu tư được một vài hạng mục nhỏ lẻ nhưng sơ sài, không đúng thiết kế. Sở VHTTDL đã hơn 10 lần gửi văn bản đôn đốc Công ty Lâu Đài đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án nhưng kết quả nhận được là một... bản cam kết. Trong khi khu vực đầu tư xây dựng dự án gần như không được tác động thì khu rừng giao cho Công ty Lâu Đài bảo vệ lại từng ngày bị tàn phá nghiêm trọng, có hàng chục đường mòn, lối mở vào rừng, hàng loạt cây gỗ lớn chỉ còn trơ lại gốc. Hiện trường cho thấy “lâm tặc” chẳng những hạ cây mà ngang nhiên xẻ gỗ giữa rừng…
- Hoang mang với chất tạo nạc Cysteamine – Tác giả Thuận Hải: Chất tăng trọng, tạo nạc Cysteamine vừa được cơ quan chức năng phát hiện. Chất này chủ yếu chỉ mới được một số đơn vị sử dụng, trộn vào các sản phẩm premix, sản phẩm men tiêu hóa… để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi. Tuy nhiên, do hiểu biết của người chăn nuôi về Cysteamine không nhiều nên các chủ trang trại lo lắng sẽ vô tình sử dụng phải. Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết ngành nông nghiệp đang rất quyết liệt với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua thanh dột xuất, Bộ NNPTNT đã xử phạt hành chính 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới khi nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi có chứa chất Cysteamine với hàm lượng đậm đặc 3%.
3. Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:
- Mạnh tay hơn với các thủ phạm đầu độc môi trường tại 11 tỉnh có các dự án xả thải – Tác giả Hoàng Anh: Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ TN-MT, đoàn thanh tra tập trung vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày, đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông tại các địa bàn 11 tỉnh thành phía Bắc. Mới đây nhất, trong chiến dịch từ ngày 25/8 đến ngày 10/9, đoàn thanh tra của Bộ TN-MT đã tổ chức thanh kiểm hàng loạt các doanh nghiệp ở tỉnh Phú Thọ. Rất nhiều “ông lớn” được đưa vào tầm ngắm như Cty CP Giấy Việt Trì, Cty TNHH MTV Pangrim Neotex (Cty Neotex), Bia Sài Gòn – Hà Nội (tại KCN Trung Hà huyện Tam Nông); Cty Mi won Việt Nam (phố sông Thao, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì); Hóa chất Việt Trì…Đoàn thanh tra của Bộ TN-MT cần có những chế tài manh tay hơn việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm về môi trường vô cùng nghiêm trọng của các DN. Mặt khác, việc thành lập đoàn thanh kiểm tra nhưng lại báo trước cho các DN 15 ngày khiến cho kết quả kiểm tra có thể không phản ánh hết các sai phạm.
- Quản lý phân bón nên đưa về một mối – Tác giả Văn Xuyên: Theo kết quả của Thanh tra Bộ NN-PTNT vừa công bố, trong 78 mẫu phân bón tại các cơ sở sản xuất để phân tích kiểm tra chất lượng, thì có đến 16 mẫu vi phạm...Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, con số này chưa phản ảnh đúng thực trạng của thị trường phân bón hiện nay. Chính sự quản lý chồng chéo giữa giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương, cùng với chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan như hiện nay.Để giải quyết vấn nạn này, ông Thúy đề xuất, nên đưa mặt hàng phân bón cho một bộ quản lý, hoặc thành lập một ban chỉ đạo chuyên ngành giao cho một bộ làm đầu mối.
- Đài Thơm 8 'khuất phục' thủ phủ sản xuất giống – tác giả Sông La: Đài Thơm 8 là giống độc quyền do SSC chọn tạo và được Bộ NN- PTNT công nhận SX thử các vụ thuộc các tỉnh khu vực phía Nam theo quyết định số 264/QĐ-TT-CLT ngày 01/7/2016; có đặc điểm chống đổ ngã tốt, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt sáng mẩy. Bên cạnh đó, chất lượng gạo ngon, hạt dài, trong, không bạc bụng, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm, vị đậm. Ông Hàng Phi Quang, Tổng Giám đốc SSC cho biết: Trong xu thế về giống lúa chống chịu thời tiết, sâu bệnh và TGST ngắn ngày, chất lượng cao, SSC đã chọn tạo ra Đài Thơm 8 để đáp ứng nhu cầu bà con nông dân. Đài Thơm 8 được SSC tìm tòi, chọn lọc, nghiên cứu và phát triển từ các nguồn giống tốt nhất trong và ngoài nước.
- Tăng cường phòng trừ sâu bệnh cuối vụ - PV: Theo báo cáo của các địa phương, diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá đã lên tới hàng chục ngàn ha, cao hơn so với năm trước. Để đảm bảo sản xuất lúa thắng lợi, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh và điều kiện bất thuận của thời tiết. Cục Trồng trọt vừa có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Bắc về việc tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa vụ HT, mùa và chuẩn bị vụ đông
Tổng hợp Minh Tâm