Trong ngày 17/9/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.
1/ Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:
Ngăn cản kê khai thiệt hại sự cố môi trường là phạm pháp! – Tác giả PQ: Sau khi có chủ trương thực hiện kê khai, xác định thiệt hại từ sự cố môi trường, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã vào cuộc quyết liệt theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Trong khi cả hệ thống chính trị thị xã đang nỗ lực để nhanh chóng hoàn tất công tác kê khai thì một bộ người dân Kỳ Hà lại đang cố tình không hợp tác và có các hành vi cản trở. Ngày 16/9, một số đối tượng đến cướp, xé phiếu kê khai, thậm chí làm giả người đến kê khai xin phiếu rồi ra xé; nghiêm trọng nhất là vào khoảng 17h cùng ngày, trong khi tổ công tác đang tập hợp, thống kê phiếu, các đối tượng còn xông vào cướp phiếu để xé, đốt... Điều này không chỉ gây ra sự bức xúc trong dư luận và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, người dân Kỳ Hà cần sớm tỉnh táo, nhận thức đúng, không nên nghe theo các lời xúi dục, kích động để có các hành vi sai trái, gây bất ổn tình hình, không chỉ gây thiệt thòi quyền lợi cho bản thân, mà thậm chí còn vướng vào vòng lao lý.
Bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh lên kệ Vinmart Hà Nội – Tác giả Thu Hà: Gần 1 tấn bưởi Phúc Trạch – thứ quả đặc sản của Hà Tĩnh lần đầu tiên xuất hiện tại 5 siêu thị thuộc chuỗi hệ thống siêu thị Vinmart ở Hà Nội. Đây là tín hiệu vui về đầu ra cho nông sản Hương Khê. Để “vào” siêu thị, mỗi quả bưởi được chọn lựa rất kỹ càng, có kiểm tra các chỉ số về đường, dư lượng chất bảo vệ thực vật, lượn ni-tơ-rát vô cơ… Sản phẩm tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với trọng lượng mỗi quả đạt 0,8kg – 1,3kg, giá bán giao động trên dưới 100.000 đồng/1kg.
2/Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:
Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kinh tế hợp tác – Tác giả Thu Hà: Sáng 17.9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm việc với T.Ư Hội NDVN. Thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, đến hết tháng 8.2016, Quỹ HTND các cấp đạt 2.192,8 tỷ đồng, giúp trên 380.000 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất thông qua 2.807 mô hình kinh tế hợp tác. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý 7 vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nông dân mà Hội NDVN cần tiếp tục quan tâm. Đó là, khó khăn trong xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tôn vinh nông dân giỏi, sáng tạo; an toàn thực phẩm; giám sát vật tư nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông thôn; nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nông dân…Trong đó nhấn mạnh HND cần tập trung các giải pháp, nguồn lực hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác.
Tôn vinh 154 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2015 – Tác giả Thu Hà: Tối 16.9, đã diễn ra “Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015 và biểu dương tấm lòng vàng vì nông dân Việt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. 154 sản phẩm nông nghiệp xuất sắc nhất được lựa chọn tôn vinh. Các sản phẩm được bình chọn thuộc 3 nhóm gồm sản phẩm nông nghiệp thô; sản phẩm chế biến và nhóm sản phẩm phục vụ nông nghiệp.
Áp dụng giá dịch vụ thay thế thủy lợi phí: Cú hích mới với sản xuất NN – Tác giả Đình Thắng: Dự án Luật Thủy lợi có rất nhiều điểm mới nổi bật. Đây được xem là bước đột phá lớn đối với sự phát triển của ngành thủy lợi. Trong đó có nêu về dịch vụ thủy lợi; dự thảo coi công tác thủy lợi là dịch vụ có mua và có bán, theo hợp đồng kinh tế và theo thỏa thuận giữa 2 bên. Theo đó, trước đây là thủy lợi phí chỉ có phí, bây giờ sẽ chuyển thành giá dịch vụ. Ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), thành viên của tổ soạn thảo dự án Luật Thủy lợi chia sẻ: Trước đây, trong việc quản lý khai thác công trình thủy lợi dùng khái niệm thủy lợi phí. Việc sử dụng nước tưới tiêu hoặc dịch vụ thủy lợi chỉ phải trả phí. Hơn nữa, phí quy định không xuất phát từ chi phí sản xuất và quản lý vận hành, do vậy không theo quy luật thị trường, không thể hiện giá sử dụng nước. Còn dịch vụ thủy lợi sẽ theo quy luật thị trường. Việc chuyển sang giá thể hiện rõ sự minh bạch trong công tác thủy lợi, tạo ra nhiều nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ hơn cho hạ tầng thủy lợi, từ đó phục vụ tốt hơn cho người dân.Giá thủy lợi sẽ dựa trên cơ sở đầu vào xây dựng công trình, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác và sẽ vận hành tùy theo từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, giống như giá điện, xăng dầu.
“Hai lúa” trồng chuối chất lượng cao theo chuẩn quốc tế - Tác gỉa Huỳnh Xây: Một nhóm nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã “làm liều” cải tạo đất để trồng chuối chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình như ông Võ Văn Đời, một trong những người tiên phong trồng chuối cấy mô (nhân giống bằng phương pháp cấy mô, không lấy thủ công cây giống từ cây mẹ) đã mạnh dạn mua khoảng 3.000 cây chuối cấy mô về trồng trên 1,5ha đất nhà. Với giá hiện nay là 7.000 đồng/kg, với tổng sản lượng thu hoạch gần 60 tấn trái, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 160 triệu đồng. Ông Lâm Văn Hộ - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô Lâm Phát Hưng cho biết: “Giống chuối được người dân trong tổ chọn là chuối già truyền thống Việt Nam nhưng được nuôi cấy mô. Loại chuối cấy mô này có nhiều ưu điểm vượt trội như: Cây có sức sống mạnh, sạch bệnh, năng suất cao, chất lượng đồng đều và có thể cho thu hoạch đồng loạt phù hợp với điều kiện xuất khẩu”.
Ngư dân cửa biển "con", mang tiền triệu cho người trên bờ - Tác giả Công Xuân: Cửa biển “con" là tên gọi của nhiều ngư dân Quảng Ngãi đối với những cửa biển nhỏ mà chỉ thuyền, thúng máy, chèo tay và những tàu đánh bắt ở vùng biển ven bờ của tỉnh, có công suất trên dưới khoảng 90 Cv mới có thể cập bến và neo đậu. Tuy lượng cá khai thác mỗi chuyến ra khơi chỉ vài trăm kg/tàu, thuyền thế nhưng với số tàu, thuyền cập bến hàng chục chiếc/ngày, ngư dân vùng cửa biển con đã mang về cho người buôn bán tôm, cá trên bờ số tiền lãi lên đến cả triệu đồng/người/buổi.
3/Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:
Cựu chiến binh gương mẫu – Tác giả Phương Nghi: Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thật sự khởi sắc, nhờ sự đóng góp không nhỏ của các cấp hội CCB với những cách làm cụ thể, sáng tạo và phát huy tính xung kích, gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, hội viên. Đến nay, các cấp hội đã vận động hội viên CCB, cựu quân nhân đóng góp hơn 5 nghìn ngày công lao động xây dựng cầu, GTNTl sửa chữa và làm mới 48 nghìn m lộ, xây mới 58 cây cầu bê tông với tổng số tiền 1.628 tỷ đồng; vận động hiến trên 18 nghìn m2 đất xây dựng GTNT, 2,3 nghìn m2 đất xây dựng nhà văn hóa...
Vịt biển VIVOGA sinh trưởng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao – TS Dương Xuân Tuyển: Giống vịt biển do Trung tâm VIGOVa chuyển giao tại ĐBSCL thời gian qua sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao từ 95-97%. Khối lượng xuất chuồng lúc 63-70 ngày tuổi đạt 2,65-2,8kg/con. Thời điểm tiêu thụ gía vịt thịt là 45.000-48.000đồng/kg, cho người nuôi lãi 27.000-35.000đồng/con.
4/Báo Chính phủ đăng các tin, bài:
Xuất khẩu tôm cả năm dự kiến trên 3 tỷ USD – Tác giả Đỗ Hương: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính chung cả năm diện tích nuôi trồng tôm đạt 660.000 ha với sản lượng tôm có thể đạt 680.000 tấn; dự kiến cả năm nay, xuất khẩu tôm sẽ đạt kết quả tương đối tốt với giá trị trên 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm cán đích trên 7 tỷ USD.
Nghiên cứu các mô hình tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp – Tác giả Đỗ Hương: Hiện chỉ có 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm tỷ lệ chưa tới 1%, trong đó 90% là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Ruộng đất manh mún đang là một trong những rào cản lớn khiến DN e ngại khi đầu tư sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Thời gian tới, hai mũi nhọn mà Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành tập trung tháo gỡ nhằm tăng cường thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế tập thể với chủ thể là HTX. Trên thực tế, sau khi giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân chủ động thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, các chế tài liên quan vẫn phải được làm rõ hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho DN thuận lợi hơn trong tích tụ ruộng đất sản xuất.
Tổng hợp: Minh Tâm
i