Trước đây, với 4 công đất ruộng, ông Tiêu Văn Hưởng (ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) chủ yếu canh tác lúa 2 vụ. Giá lúa bấp bênh theo thị trường, lợi nhuận không cao mà phải lo trang trải kinh tế gia đình, tiền học phí cho 2 con đi học nên gia đình gặp nhiều khó khăn… Do vậy, ông Hưởng quyết định chuyển diện tích đất lúa của mình sang một mô hình khác hiệu quả hơn. Để thực hiện, ông Hưởng thường xuyên xem đài, đọc báo với mong muốn thay đổi phương thức sản xuất bằng một mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Với diện tích đất của mình, tôi nhận thấy có thể chuyển sang trồng cỏ tây và nuôi bò vỗ béo. Vì so với nhiều vật nuôi khác, bò vỗ béo dễ nuôi, lại ít rủi ro, giá bò ổn định. Chưa hết, nguồn thức ăn cho bò khá phổ biến, dễ tìm vì ngoài cỏ, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho bò ăn… Nghĩ thì nghĩ vậy, lúc này lo nhất là phần vốn vì bò giống khá nặng vốn”- ông Hưởng phân tích.
Nhiều nông dân miền núi vươn lên khá giả với mô hình nuôi bò vỗ béo
Thời điểm đó, thấy được nhu cầu thiết thực của bà con, Hội Nông dân xã Nhơn Hưng đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ nông dân trên địa bàn. Ông Hưởng và nhiều hộ nông dân ở địa phương phấn khởi tham gia lớp tập huấn, với mong muốn có thể học hỏi cái mới để cải thiện cuộc sống. Sau khi kết thúc lớp tập huấn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ 30 triệu đồng, ông Hưởng còn quyết định vay thêm tiền để đầu tư con giống, chuồng trại quy mô lớn. Được cung cấp kiến thức từ lớp tập huấn kỹ thuật, ông Hưởng còn tham quan những mô hình thực tế. Sử dụng nguồn vốn trên 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại, đi nhiều nơi lựa chọn bò giống, ông còn chuyển 4.000m2 đất trồng cỏ tây. “Đầu tư vốn nhiều, nên tôi kỹ lưỡng trong khâu chọn giống bò. Sau cùng, tôi chọn giống bò lai Sind, có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, mông và bản lưng lớn, phàm ăn, phát triển đều…”- ông Hưởng chia sẻ.
Do được tấp huận kỹ thuật, ngay khi bò mua về, ông Hưởng tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng, cho uống thuốc xổ giun sán và tiêm thuốc trợ sức cho bò mau lớn. Ngoài ra, nguồn thức ăn là cỏ tươi tự nhiên, rơm rạ sẵn có để cung cấp đủ thức ăn cho bò, ông Hưởng còn kết hợp cỏ tây trồng được pha trộn thức ăn hỗn hợp như bột bắp, bột gạo, bã hèm, cám thực phẩm… Nhờ vậy, bò mau lớn, lại tiết kiệm chi phí đáng kể. Ông Hưởng còn tận dụng nguồn phân bò để bón ngược lại cho cỏ tây, giảm được nguồn phân hóa học. Trong quá trình nuôi bò, ông Hưởng còn thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, như: Thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, định kỳ tiêm đủ các loại vaccine…
Ngoài việc trồng cỏ kết hợp nuôi bò vỗ béo, ông Hưởng còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo cho nông dân trên địa bàn xã và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế. “Mỗi đợt, tôi nuôi vỗ béo từ 12 - 15 con bò, sau 3- 4 tháng có thể xuất chuồng. Năm 2014, gia đình tôi xuất bán được 4 đợt bò thịt, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 280 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình đã dần trả nợ cho ngân hàng và tích lũy mở rộng thêm mô hình trong thời gian tới để tăng thêm thu nhập”- ông Hưởng phấn khởi.Ông Võ Văn Đầy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hưng cho biết, mô hình nuôi bò tại xã Nhơn Hưng là một trong những hướng làm ăn mới có sự lan tỏa nhanh. Hiện tại, trên địa bàn có 1 Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi bò, với 20 thành viên và đang được khảo sát để hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế thực hiện chương trình nuôi bò giảm nghèo và nâng cao chất lượng bò nuôi.
>> Ông Võ Văn Đầy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hưng cho biết, mô hình nuôi bò tại xã Nhơn Hưng là một trong những hướng làm ăn mới có sự lan tỏa nhanh. Hiện tại, trên địa bàn có 1 Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi bò, với 20 thành viên và đang được khảo sát để hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế thực hiện chương trình nuôi bò giảm nghèo và nâng cao chất lượng bò nuôi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn