Một trong những khó khăn lớn hiện nay của sản xuất nông nghiệp và cũng là khó khăn của nông dân là khâu tiêu thụ nông sản. Do không có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định và bền vững, người nông dân hiện đang rất bị thiệt thòi như câu nói cửa miệng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lâu nay.
Trước thực tế đó, để tháo gỡ khó khăn cho bản thân cũng như bà con nông dân, anh Nam đã từng bước thực hiện liên kết với các hộ nông dân để sản xuất, thu mua và cung ứng mặt hàng rau sạch cho các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài huyện Đức Trọng.
Anh Nam đang kiểm tra rau, củ sau khi sơ chế. Ảnh: Thy Vũ |
“Trước khi thành lập công ty nông sản vợ chồng tôi vốn là nông dân “chính hiệu”. Vì thế, hơn ai hết chúng tôi hiểu những khó khăn, vất vả mà người nông dân phải trải qua để sản xuất ra các loại nông sản cung cấp cho người tiêu dùng. Và, không lúc nào tôi không thôi ao ước làm sao cho gia đình mình có một cuộc sống ổn định, sung túc”, anh Nam bộc bạch.
Anh Nam cũng cho hay, những ngày đầu tập tành kinh doanh, rồi tiến tới liên kết với bà con nông dân, các hợp tác xã trồng rau sạch anh cũng gặp không ít khó khăn, nhiều lần bị thất bại. Đó là những ngày đầu chưa nắm vững được khoa học kỹ thuật, rồi thời tiết thay đổi, dịch bệnh dẫn đến mất mùa…
Nhưng không vì thế mà anh nản chí. Một trong những bài học mà anh rút ra được từ những ngày đầu đó là để tiêu thụ được sản phẩm, người nông dân cần phải đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng và sản lượng nông sản của người tiêu thụ bằng chữ tín và bằng các mối liên kết cùng có lợi trong sản xuất - kinh doanh. Chính vì vậy, gia đình anh đã quyết định thành lập công ty để có tính pháp lý khi giao dịch với đối tác.
Nhờ biết dựa vào đặc điểm kinh tế, khí hậu của địa phương, nhiều năm nay, anh đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau, củ, chủ yếu là cà rốt, củ cải, khoai lang và bắp sú. Đặc biệt, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm rau, củ, quả an toàn, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển và liên kết với hơn chục hộ nông dân tại địa bàn các xã Phú Hội, Tân Hội, N’thol Hạ… trồng hơn 20 ha rau sạch. Khi liên kết với các nông hộ, gia đình anh đầu tư giống, phân bón và hướng dẫn người nông dân sản xuất theo đúng quy trình, nhằm sản xuất các loại rau có giá trị kinh tế cao, đáp ứng tiêu chuẩn rau an toàn.
Ngoài ra, công ty của anh còn liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã rau sạch, công ty rau sạch trên địa bàn nhằm mở rộng thêm diện tích sản xuất, ngành hàng và mặt hàng rau sạch… để cung ứng cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, các chợ đầu mối tại TP HCM.
Mỗi ngày, công ty của gia đình anh Nam tiêu thụ khoảng 7-8 tấn rau, củ, quả; trừ hết chi phí, mỗi năm, gia đình anh cũng thu lãi trên 5 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất của gia đình anh Nam còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người.
“Hiện, cơ sở đang đầu tư dây chuyền sơ chế rau củ quả khép kín trị giá hơn 1 tỷ đồng, dự kiến 1 tháng nữa sẽ đưa vào sử dụng, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ từng bước mở rộng liên kết sản xuất với nông dân, cũng như tích cực tìm kiếm đầu ra và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng gắt gao của thị trường”,anh Nam cho biết thêm.
Theo Báo Lâm Đồng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn