Những năm gần đây, giá cả thị trường chăn nuôi gia súc bấp bênh, vì thế các hộ nông dân còn e ngại khi bỏ vốn đầu tư xây dựng, phát triển trang trại và các mô hình kinh tế. Trước thực trạng này, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp giúp duy trì sự phát triển bền vững, giải tỏa nỗi lo cho người nông dân.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tiếp cận với nguồn vốn của doanh nghiệp và khuyến khích chăn nuôi tập trung, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn Dabaco miền Bắc đã triển khai hợp tác kinh tế với các hộ nông dân, nhân rộng mô hình nuôi lợn hướng nạc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông, người nông dân lo công tác chuẩn bị chuồng trại, cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Công ty và gia công nuôi khi con giống được chuyển về, thực hiện yêu cầu về vệ sinh, kỹ thuật trong việc chăm sóc đàn lợn. Phía Công ty chịu trách nhiệm tìm và chọn con giống, đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn, thuốc sát trùng, vắc xin phòng dịch bệnh… Ngoài ra, trung bình cứ 4 buổi/tuần, Công ty cử các kỹ sư trực tiếp xuống trang trại để hỗ trợ kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn lợn…
Sau một thời gian triển khai, mối liên kết này đã đạt được kết quả tích cực và đem đến tín hiệu khởi sắc cho nghề chăn nuôi. Điển hình là hộ gia đình ông Đỗ Phú Thuộc, thôn Tử Nê, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du.
Nhờ có sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật từ phía Công ty Babaco, đã giúp đàn lợn của gia đình ông Thuộc tăng khả năng miễn dịch, sinh trưởng và phát triển tốt. Sau quá trình triển khai, mô hình nuôi lợn hướng nạc đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân, giúp người dân yên tâm về đầu ra để tập trung vào công tác chăm sóc đàn nuôi.
Mô hình nuôi lợn hướng nạc của gia đình ông Thuộc được triển khai từ tháng 3 năm 2013 đến nay đã xuất chuồng được 3 lứa, mỗi lứa 1000 con, trọng lượng trung bình là 100kg/con, cho thu lãi 600 triệu đồng. Lứa lợn gia đình đang nuôi phát triển tốt, dự kiến gần 2 tháng nữa cũng cho xuất chuồng.
Nhà nông bỏ công chăm sóc, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ đã có doanh nghiệp lo, đó là mô hình hợp tác cùng phát triển, có lợi đôi bên cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Mô hình đã hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất, người nuôi không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính mua giống. Liên kết cùng phát triển là một hướng đi đúng đắn và là việc làm cần thiết trong giai đoạn kinh tế hội nhập hiện nay, bởi lợi ích thiết thực mang lại cho cả nông dân và doanh nghiệp.