Mỗi năm đàn lợn mang về cho vợ chồng ông Tung, bà Tuyết doanh thu 7 tỷ đồng.
Sau nhiều năm lăn lộn với ruộng đồng, cấy hái, cày bừa vất vả nhưng thu nhập được chẳng là bao, vợ chồng ông Tung quyết định bỏ làng quê lên Hà Nội buôn bán làm ăn. Ông bà chuyên giết mổ và cung cấp thịt lợn cho các chợ lớn ở Hà Nội.
Đang làm ăn tốt, năm 2001 ông bà quyết định bỏ nghề buôn bán về quê xây chuồng nuôi lợn thịt quy mô nhỏ. Ông Tung tâm sự: “Buôn bán có lời đấy nhưng tôi nghĩ đến bố mẹ già yếu cần người chăm sóc, rồi 2 đứa con đang tuổi lớn, nếu không có sự chỉ dạy, kèm cặp sát sao của bố mẹ sợ rằng sẽ hư hỏng”.
Năm 2007, ông bà Tung chuyển đổi và chuyển nhượng được 5.000m2 đất vốn cấy lúa kém hiệu quả để làm trang trại nuôi lợn với quy mô lớn.
Vừa mới nhen nhóm làm ăn lớn thì vợ chồng ông Tung bị “giáng trận đòn chí tử”. Năm 2008, dịch tai xanh bùng phát, trang trại lợn của ông bà thiệt hại gần 10 tấn lợn thịt. Vẫn chưa hết khó khăn, năm 2010 dịch tai xanh lại làm ông bà mất trắng 40 con lợn thịt.
Quyết không thua cuộc, ông bà liên hệ với các công ty thuốc thú y tìm cách khắc phục dịch lợn tai xanh. Từ năm 2011, gia đình ông đã khống chế hoàn toàn dịch lợn tai xanh.
Hiện trang trại của ông có 80 con lợn nái siêu ngoại, 20 con lợn đực giống và 700 con lợn con, lợn thịt. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường hơn 150 tấn lợn hơi, cho doanh thu 7 tỷ đồng/năm. Được hơn cả là 2 người con trai của ông bà đều thành đạt, hiện con trai lớn của ông bà làm bác sĩ, người con trai út đang là sinh viên Đại học Nông nghiệp.
Chia sẻ bí quyết thành công, ông Tung cho biết: “Trong chăn nuôi, cùng với áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn, thì phải kiên trì bám trụ với nghề, quyết “sống chết cùng lợn”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn