Với điều kiện địa lý vùng chiêm trũng, huyện Lệ Thủy có nhiều yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm và thủy cầm. Thực tế cho thấy, Lệ Thủy là địa phương có tổng đàn gia cầm, thủy cầm lớn nhất tỉnh ta.
Do đó, việc tăng cường ngăn chặn các dịch bệnh bùng phát, lây lan cho vật nuôi là điều mà các cấp chính quyền, hộ chăn nuôi ở huyện luôn quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua tại địa bàn huyện vẫn còn tình trạng một số hộ chăn nuôi, lãnh đạo thôn, xã không thực hiện nghiêm túc pháp lệnh về Thú y... đã tạo "cơ hội" cho một số mầm bệnh bùng phát, lây lan gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi...
Chị Phạm Thị Minh, Trưởng trạm Thú y huyện Lệ Thủy cho biết: Thông thường, cứ độ trung tuần tháng 2 hàng năm trở đi là các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện lại bắt đầu đẩy mạnh phát triển, nhân giống đàn gia cầm, đặc biệt là tổng đàn thủy cầm, nhằm kịp phục vụ cho thị trường đúng vào dịp 30-4 và 1-5.
Cán bộ thú y huyện Lệ Thủy tiến hành phun thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng để phát triển chăn nuôi. |
Tuy nhiên, bước vào thời điểm đẩy mạnh nhân giống, phát triển tổng đàn gia cầm, thủy cầm đầu năm 2013 của huyện Lệ Thủy lại trùng khớp với thời điểm chuyển giao mùa từ mưa rét chuyển sang nắng ấm. Trong điều kiện thời tiết như thế, rất dễ xảy ra bùng phát các ổ dịch bệnh như: lở mồm long móng, dịch tả... đối với trâu, bò; tụ huyết trùng, tai xanh... đối với lợn; cúm gia cầm, Niu cát sơn, Gium bô rô... ở gà; tụ huyết trùng, dịch tả... ở vịt. Một nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi Lệ Thủy là phía nam huyện dịch bệnh tai xanh ở lợn đã xuất hiện tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) và tỉnh Quảng Nam; về phía bắc của tỉnh, dịch cúm gia cầm cũng đã xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An...
Như vậy, ngành chăn nuôi của tỉnh ta nói chung cũng như đối với huyện Lệ Thủy nói riêng đang nằm trong vùng có nguy cơ tiềm ẩn lây lan, bùng phát các ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm rất cao. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh sẽ rất lớn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm này (7-3-2013), địa bàn huyện Lệ Thủy chưa có dịch bệnh nguy hiểm nào bùng phát, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm. Thế nhưng, tâm lý một số hộ chăn nuôi ở huyện vẫn chưa hết lo sợ bởi "dư âm" của ổ dịch cúm gia cầm bùng phát vào giữa năm 2012 tại các xã Sơn Thủy, Lộc Thủy và sau đó lây lan sang một số địa bàn lân cận như Hoa Thủy, An Thủy...
Dịch cúm gia cầm đã gây ra nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi ở Lệ Thủy, hàng chục ngàn con gia cầm của người dân nằm trong vùng có dịch buộc phải tiêu hủy vì bị nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm. Các cơ quan chức năng cùng với cơ quan Thú y từ tỉnh tới huyện đã rất vất vả, tốn nhiều thời gian, tiền của, công sức... mới có thể dập tắt được các ổ dịch cúm.
Trưởng trạm Thú y huyện Lệ Thủy Phạm Thị Minh cho biết thêm, rút kinh nghiệm của những năm trước, ngay từ đầu năm 2013, UBND huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn tăng cường thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm một cách quyết liệt...
Nông dân huyện Lệ Thủy vệ sinh chuồng trại để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. |
Sau khi nhận được công điện của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y về công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn; tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; kế hoạch tiêm phòng các loại vắcxin gia súc năm 2013; kế hoạch thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh năm 2013..., Trạm Thú y Lệ Thủy đã nhanh chóng tổ chức quán triệt tới toàn bộ mạng lưới thú y cơ sở đồng thời tham mưu cho UBND huyện, Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy xây dựng phương án chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung ngăn ngừa dịch bệnh để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
Cùng với đó, Trạm thú y thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật vào, ra tại địa bàn quản lý; tăng cường theo dõi sự phát triển của vật nuôi để phát hiện kịp thời các mầm bệnh, ổ bệnh, từ đó có biện pháp xử lý, ngăn ngừa không để lây lan trên diện rộng...
Mặt khác, Trạm Thú y Lệ Thủy tiếp tục chỉ đạo cán bộ thú y huyện và cơ sở đẩy mạnh việc tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ, điểm giết mổ...; tiến hành điều tra lại tổng đàn gia súc, gia cầm nhằm phục vụ cho công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao; chú trọng phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế các mầm bệnh có thể bùng phát, lây lan; đốc thúc một số địa phương có chăn nuôi gia cầm lớn như An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Hoa Thủy... quan tâm đến công tác giám sát đối với ngành chăn nuôi, kịp thời phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp khoanh vùng khống chê...; tuyên truyền cho người dân hiểu để từ đó chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y...
Tính đến đầu tháng 3-2013, các xã, thị trấn ở Lệ Thủy đã tiến hành đăng ký tiêm phòng dịch tả lợn với số lượng 12,5 nghìn liều; lở mồm long móng trâu bò 8,4 nghìn liều; dại chó 5 nghìn liều; cúm gia cầm 40 nghìn liều... Hiện Trạm Thú y huyện Lệ Thủy đang tiếp tục yêu cầu các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ các hoạt động chăn nuôi tại địa phương mình quản lý để phòng, ngừa dịch bệnh một cách có hiệu quả hơn.
Văn Minh
Theo baoquangbinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn