Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng rau an toàn thôn Phú An, xã Thanh Đa. Trên trục đường giao thông nội đồng rất đông người đến tận ruộng thu mua rau xanh bên các thửa ruộng được vệ sinh gọn gàng. Ông Tuấn giải thích, sở dĩ vùng rau an toàn của Thanh Đa sản xuất hiệu quả như hiện nay xuất phát từ chủ trương áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng rau an toàn, sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn.
Từ mục đích đó mà đường giao thông thủy lợi nội đồng, hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất, hệ thống thu gom phế liệu và xử lý môi trường nơi đây được quan tâm đầu tư. Để quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, Phúc Thọ tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn cơ cấu giống rau màu phù hợp vào gieo trồng thâm canh tăng năng suất tạo cho người dân có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên luống rau bắp cải đến độ thu hoạch, bà Nguyễn Thị Tân kể, nghề trồng rau gắn bó với nông dân Thanh Đa hàng chục năm trước kia chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, do ý thức tự phát; cơ cấu cây trồng, mùa vụ không rõ ràng, thiếu định hướng. Kể từ khi thành phố duyệt đồng ý cho quy hoạch đầu tư phát triển vùng rau an toàn với quy mô 50ha, nông dân thường xuyên được tập huấn từ chuỗi sản xuất, bảo quản đến tiêu thụ, giờ đây ai cũng hiểu việc xây dựng thương hiệu vùng rau an toàn là giữ chính nồi cơm của mình. Năm qua, rau được mùa, trúng giá, nhiều gia đình ở Thanh Đa cho thu nhập 40-50 triệu đồng/sào/lứa rau.
Đến các khu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các xã Tam Thuấn, Phụng Thượng, Thọ Lộc... chúng tôi cũng khá bất ngờ trước những cách làm hiệu quả của chính quyền và người dân địa phương. Trước đây, vùng bãi Tam Thuấn chỉ độc canh trồng rau, nay cây hoa ly sau khi trồng thử nghiệm đã đứng vững trên đồng đất này. Chủ tịch xã Tam Thuấn cho hay, trồng hoa ly tuy chi phí lớn, nhưng "một vốn, bốn lời"; trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ có gia đình cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/sào. Còn tại xã Phụng Thượng do đưa vào giống mới và áp dụng phương pháp trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu, vụ đông vừa qua đã cho thu hoạch 1 tấn/sào. Với giá bán trên thị trường 18 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ cho thu nhập 18 triệu đồng/sào.
Nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch theo vùng sản xuất tập trung tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, thu nhập cao. Đặc biệt vùng bãi của Phúc Thọ giờ đây được khai thác hiệu quả nhờ bố trí nhiều cây trồng mới như rau an toàn, hoa chất lượng cao, chuối tiêu hồng, cây ăn quả, tạo ra những vùng hàng hóa rất triển vọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết, với gần 6.000ha đất nông nghiệp, huyện đã quy hoạch nông nghiệp, chuyển đổi được 1.281ha, hình thành nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như trồng rau, cây ăn quả, nuôi bò thịt, bò sữa, gà đẻ trứng, lợn siêu nạc...; đã tận dụng diện tích mặt nước 720ha nuôi trồng nhiều giống thủy, đặc sản như cá rô phi hồng, cá trắm đen, ba ba... Kinh tế trang trại ở Phúc Thọ có bước chuyển biến mạnh, khai thác tối đa tiềm năng đất đai. Toàn huyện đã có gần 350 trang trại cho thu nhập khá và trên 500 vườn trại cho thu nhập bình quân từ 200 đến 300 triệu đồng/ha mỗi năm.
Thực tế cho thấy, tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với tiềm năng thì giá trị sản xuất nông nghiệp của Phúc Thọ còn khiêm tốn do các mô hình sản xuất mới chậm được nhân rộng; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất còn bất cập... Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Phúc Thọ đang tranh thủ khai thác các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.