Phát triển cây ngô từ thực tiễn
Qua cầu Cồn Tiên, chạy dọc tuyến tỉnh lộ 956 lên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia là những cánh đồng ngô ngút ngàn. Người dân phơi ngô đầy những khoảng vườn rộng thênh thang. Máy tuốt chạy xình xịch tuôn ra những hạt ngô vàng rực. Dẫn chúng tôi tham quan thực tế những cánh đồng ngô khu vực các xã Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Văn Thao chia sẻ: "Đây là những vùng chuyên canh cây bắp lâu đời nhất huyện cũng như tỉnh An Giang. Bà con làm bắp chuyên canh từ những năm 1980 khi huyện Phú Châu chưa chia tách (nay thành huyện An Phú và thị xã Tân Châu). Ngày đó, bà con trồng bắp chủ yếu là để cải tạo đất và chạy lũ sau một mùa lúa. Tuy nhiên, khi giá lúa liên tục bấp bênh thì cây bắp dần soán ngôi. Giờ đây với kinh nghiệm hơn 30 năm chuyển đổi, cây bắp thật sự trở thành hướng đi bền vững trong cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương".Thực ra cây ngô bắt đầu bén duyên đồng đất An Phú từ trước giải phóng, tuy nhiên chỉ đến những năm 1985 - 1986, chính quyền huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú) mới bắt đầu hình thành vùng chuyên canh ngô khi những diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp. "Cây lúa cần nhiều nước nhưng cây bắp thì không. Cây bắp cũng ít sâu bệnh hơn, lại cần ít phân bón. Cây bắp không chỉ cho hạt mà còn có thể dùng thân cây làm thức ăn nuôi bò, cùi bắp thì làm chất đốt... Giá bắp thì ổn định lắm. Nhiều cái lợi như vậy thì hỏi sao bà con không chuyển từ cây lúa sang bắp hả chú?" - nông dân Nguyễn Văn Tiết bên ruộng ngô đang thu hoạch tại xã Quốc Thái, ven tỉnh lộ 956 cười xòa. Là một trong những nông dân gắn bó với cây ngô gần 30 năm qua, ông Tiết cũng như nhiều nông dân khác cho biết, trồng cây ngô so với cây lúa hiệu quả gấp ba, bốn lần mà công chăm sóc chỉ bằng phân nửa.
Tìm hiểu thực tế việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô nơi đây, đồng chí Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện nói: "Ban đầu bà con nơi đây trồng chủ yếu là cây bắp ăn, đến khoảng năm 1995 mới bắt đầu trồng cây bắp lai công nghiệp. Do hai yếu tố rất quan trọng mà bà con quyết định gắn bó với cây bắp là cây lúa trồng nơi đây cho năng suất không cao, chỉ khoảng 7 tấn/ha vụ đông xuân, lại có thời gian sinh trưởng dài hơn bắp. Thứ hai, huyện An Phú là địa phương đầu nguồn sông Cửu Long nên mùa nước lên thì phần lớn diện tích đất nông nghiệp mênh mông là nước. Do vậy, khi cây bắp được địa phương khuyến khích thì bà con rất hăng hái tham gia. Các xã đầu tiên hình thành vùng chuyên canh là Phú Hữu và Khánh An, sau đó lan nhanh và đến nay, 100% xã, thị trấn đều có cây bắp trong cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương". Nông dân Nguyễn Văn Ánh (ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình), người đã gắn bó 32 năm với cây bắp nói: "An Phú có đến sáu tháng mùa nước lụt nên cây lúa không thích hợp bằng cây bắp sinh trưởng ngắn ngày. Cái nữa là các xã đầu nguồn đất bãi bồi chủ yếu, mà đã là đất bãi bồi thì cây màu lợi thế hơn lúa rất lớn. Do vậy, chúng tôi chọn gắn bó với cây bắp".
Hiện nay, An Phú có 5.900 ha trồng ngô chuyên canh trên tổng số 8.300 ha đất hoa màu toàn huyện, cùng với hàng chục nghìn ha đất xen canh lúa - ngô hay ngô - rau màu khác. Năng suất cây ngô lai tại đây bình quân hơn 11 tấn/ha, đặc biệt một số nông dân đạt năng suất 14 đến15 tấn/ha. Tổng sản lượng bình quân hằng năm lên đến gần 55 nghìn tấn. Chi phí canh tác ngô khoảng 10 triệu đồng/ha. Giá bán cũng ổn định, khoảng 4.500 đồng đến 5.500 đồng/kg cho nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Bà con nông dân tham quan mô hình trồng thử nghiệm giống ngô lai NK 7328 tại xã Khánh An (huyện An Phú). Ảnh: HỮU ĐỨC
Mở hướng chuyên canh bền vững
Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp đang được chính quyền, ngành nông nghiệp cả nước khuyến khích, nghiên cứu mô hình. Cùng chủ trương đó, An Phú đã và đang định hướng cho việc hình thành vùng chuyên canh ngô quy mô lớn với một mô hình phát triển tựa "cánh đồng mẫu lớn" của cây lúa. Đồng chí Nguyễn Văn Thạnh, Bí thư Huyện ủy An Phú nói: "Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ. Điều đó trở thành động lực lớn của An Phú khi tiếp tục phát huy kinh nghiệm trồng bắp của bà con hơn 30 năm qua, cũng như định hướng cho vùng chuyên canh bắp khép kín, bền vững. Hướng mở ấy chính là việc hỗ trợ, mời gọi đầu tư mô hình liên kết "cánh đồng mẫu bắp" bền vững cùng với phát triển nuôi bò từ việc tận dụng thân cây bắp sau thu hoạch. Song song đó, chúng tôi cũng mời gọi đầu tư tới các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc, đường thuốc tinh luyện từ cây bắp". Giám đốc Công ty Ecofarm Nguyễn Minh Triết, đơn vị đầu tiên xúc tiến phát triển ký kết mô hình liên kết khép kín cây bắp tại An Phú chia sẻ: "Cây bắp tại An Phú có một tiềm năng rất lớn để hình thành một vùng chuyên canh bền vững. Thời gian tới, một mặt chúng tôi mở rộng diện tích liên kết, chuyển giao kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân, mặt khác hình thành kho chế biến nhằm gắn bó chặt chẽ hơn với người nông dân". Theo Phòng Nông nghiệp An Phú, hiện toàn huyện có khoảng 50 ha diện tích bắp lai đang tham gia liên kết thử nghiệm cùng Ecofarm và cho hiệu quả rất lớn với năng suất bình quân 13 tấn/ha và giá bán ổn định ở mức cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thao cho biết thêm: "Để phát triển cây bắp bền vững trong tương lai, An Phú xác định hai vấn đề trọng tâm là tìm đầu ra ổn định và hệ thống hạ tầng bền vững. Nhiều xã thấy cây bắp phát triển tốt cũng xin chuyển đổi đất lúa sang bắp. Tuy nhiên, dẫu tiềm năng để chuyển đổi đất lúa sang bắp ở An Phú còn rất lớn, nhưng hằng năm chúng tôi cũng chỉ chấp nhận cho tăng tổng diện tích toàn huyện khoảng vài trăm ha nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu và mở rộng thị trường trước khi mở rộng diện tích, trong đó tận dụng lợi thế đường biên giới cả thủy lẫn bộ với nước bạn Cam-pu-chia, chúng tôi sẽ mở rộng xuất khẩu cây bắp sang các nước. Bên cạnh đó, ngoài Ecofarm đang đầu tư, chúng tôi cũng mời gọi nhiều doanh nghiệp khác xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ bắp nhằm tạo sự cạnh tranh, động lực đẩy giá cây bắp tăng cao và ổn định hơn. Mặt khác, cùng với chính sách và nguồn lực từ chương trình nông thôn mới, An Phú tập trung mạnh vào đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng và mô hình "đường ra cánh đồng" nhằm giúp việc canh tác, tiêu thụ bắp hiệu quả hơn".
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phạm Thành Tâm, trong 18 nghìn ha đất nông nghiệp của huyện, khả năng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô có thể đạt đến 80% diện tích. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, huyện cũng chỉ chuyển đổi thêm khoảng vài trăm ha mỗi năm nhằm tránh sự phát triển quá nóng mà thị trường chưa tiếp cận. Một vấn đề nữa là huyện đang tiến hành rà soát, quy hoạch 100% đất bãi bồi từ trồng các cây trồng khác sang phát triển cây ngô lai. Bên cạnh đó, An Phú đang xúc tiến với các doanh nghiệp cung cấp hạt ngô giống phát triển nghề trồng ngô giống, chuyển giao kỹ thuật trồng ngô giống nhằm giúp bà con có nguồn giống xác nhận, ổn định và cạnh tranh hơn tại địa phương.
Song song đó, An Phú cũng định hướng phát triển giá trị gia tăng từ cây ngô bằng việc phát triển đàn bò địa phương sử dụng phụ phẩm của cây ngô. Định hướng ấy được nông dân Nguyễn Văn Ánh chia sẻ: "Mỗi năm, bốn ha bắp của tui cho hàng trăm tấn bắp cây, phần lớn cho bà con nuôi bò, nếu không phải đốt rất phí. Do vậy, nếu có chính sách hỗ trợ vay vốn nuôi bò thì chắc chắn chúng tôi sẽ tham gia vì nó cho thêm nguồn thu nhập và tận dụng được tốt hơn phụ phẩm từ cây bắp".
Giờ đây, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây ngô không còn là chuyện được đề cập trên bàn hội thảo mà những nông dân nơi đầu nguồn sông Cửu Long đã, đang phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Cây ngô tại An Phú đã trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân đổi đời. Những cánh đồng ngô ngút ngàn xanh mướt, những bãi phơi ngô vàng ươm đã trở thành một nét đẹp mới ở vùng biên An Phú.
Bảo Trị
Nguồn nhandan.com.vn