Bản lĩnh người lính
18 tuổi, Quế Phi Hùng (sinh năm 1959) gác bút nghiên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, Hùng bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau.
Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và nằm điều trị ở nhiều khu điều dưỡng thương binh, năm 1984, anh trở về địa phương và kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Đào ở cùng làng. Vợ chồng Hùng được bố mẹ dựng cho nếp nhà nhỏ ở đầu xóm Đào Nguyên và 2 đứa con của họ lần lượt chào đời.
Anh Hùng kiểm tra đàn lợn rừng trong trang trại. |
Cũng trong khoảng thời gian đó, những vết thương mỗi khi trái gió trở trời lại hành hạ anh. Hùng phải nằm viện liên tục, bao nhiêu tài sản trong nhà đều phải bán đi để lo thuốc thang cho anh.
Nhìn cảnh vợ một nách 2 đứa con, vừa phải làm lụng vất vả, vừa chạy ngược chạy xuôi vay mượn nuôi chồng, anh cắn răng nén những cơn đau để ngồi dậy tập luyện. Sau hơn 3 tháng tập luyện, bệnh tình của anh thuyên giảm rất nhiều.
Tạm chiến thắng bệnh tật rồi, nhưng phải làm gì để cuộc sống đỡ nghèo khổ? Hùng xác định, không thể ỷ lại vào thương tật, không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phải tự vươn lên làm giàu bằng trí tuệ và sức lực của mình để giảm gánh nặng cho xã hội và lo tương lai cho con cái. Vậy là anh bắt tay vào xây chuồng nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả...
“Vua” nuôi lợn rừng
Nghe thông tin nuôi lợn rừng có lãi lớn, anh tìm đến một số trại nuôi tận mắt xem, rồi tìm đọc tài liệu, học hỏi kỹ thuật. Tiếp đó, anh nhận thầu mảnh đất hơn 2ha ở xóm Đào Nguyên làm trang trại nuôi lợn. Gom hết số tiền tích cóp và mượn thêm anh em, tổng cộng được 20 triệu đồng, anh mua 4 con lợn giống.
Những lứa lợn đầu tiên sinh sản và phát triển tốt nên anh tự tin mình đã đi đúng hướng. Tiền bán lợn lứa đầu tiên, anh dùng trả hết số nợ và sắm thêm nhiều vật dụng sinh hoạt cho gia đình.
Để chủ động giống, anh Hùng tìm giống lợn rừng đực tại địa phương cho lai với lợn mua về từ phương xa để tạo giống mới. Đàn lợn rừng giống do anh lai tạo đã đem về cho anh số vốn đầu tiên trên 150 triệu đồng.
Hiện, trang trại của vợ chồng anh có 150 con lợn rừng, trong đó 70 con đang trong thời kỳ sinh sản. Anh tính toán: “Từ nay đến cuối năm 2012, đàn lợn sẽ tăng thêm khoảng 700 con, dự kiến xuất chuồng khoảng 400 con, ước tính doanh thu hàng tỷ đồng”.
Anh Hùng chia sẻ: "Lợn rừng rất dễ nuôi, chỉ cần có diện tích đất rộng, có trồng cây xanh làm cảnh cho lợn trú ngụ như ở môi trường tự nhiên. Lợn rừng rất khỏe, ít bệnh, người nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng ngừa các bệnh thương hàn, tiêu chảy, viêm da. Muốn lợn chóng lớn và ít chi phí thì nên tận dụng các loại cây cỏ hay các loại rau trong vườn để làm thức ăn. Hàng ngày, cho lợn ăn thêm một bữa cám”.
Theo anh Hùng, hiện nay người chăn nuôi không lo đầu ra, bởi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rừng rất lớn. Một con lợn mẹ, sau 1 năm nuôi đẻ được 4 con. Với giá bán hiện nay là 2,5 triệu đồng/con, trừ chi phí còn lãi trên 6 triệu đồng. Riêng lợn thịt sau 6 tháng thả nuôi, lãi gần 2 triệu đồng/con.
Ngoài nguồn thu từ lợn rừng, trung bình mỗi năm vợ chồng anh còn thu 30 triệu đồng từ cây ăn quả, hơn 15 triệu đồng từ ao nuôi cá. "Tôi sẽ nhân rộng đàn lợn rừng để giúp các hộ nông dân nghèo ở địa phương vì đầu ra của lợn rừng đang rất thuận lợi”- anh Hùng tâm sự.
Ông Nguyễn Doãn Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hùng còn là hội viên tích cực tham gia các hoạt động của Hội ND. Nhiều năm liền trang trại của gia đình anh được hội viên ND bầu chọn là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn