Do đi xuất khẩu lao động phải về nước sớm, năm 2001, anh Hoàng Đức Thành vào xã Nghĩa Hưng (Chư Păh, Gia Lai) làm ăn với hành trang vỏn vẹn chỉ mấy bộ quần áo cũ. Thấy hoàn cảnh của anh như vậy, người bạn ở Kon Tum cùng đi xuất khẩu lao động cho anh vay ít tiền mua mảnh đất để làm ăn.
Thời bấy giờ, giá cà phê chỉ có 1.500 đồng/kg, không đủ trang trải chi phí. Nhiều người thấy trồng cà phê không hiệu quả bắt đầu đốn đi để trồng cây khác, nhưng anh Thành nghĩ: Làm nông nghiệp phải cần sự kiên trì. Không chỉ mua tài liệu kỹ thuật về tự học, anh còn khăn gói đi học cách trồng, chăm sóc cây cà phê để đạt năng suất cao.
Anh Hoàng Đức Thành bên vườn cà phê trĩu quả của gia đình. |
Đúng như dự đoán của anh Thành, giá cà phê sau đó đã tăng dần. Thu nhập được cải thiện, có tiền, anh đào 2 đầm có diện tích 3.000m2 để nuôi cá. Tiền bán cà phê, bán cá, vợ chồng anh dành dụm mua đất. Sau gần 10 năm, vợ chồng anh đã có 9ha đất, gồm 7ha cà phê kinh doanh, 2ha trồng cây mắc ca và 500 trụ hồ tiêu. Anh cũng đang nuôi thử nghiệm đàn bò sinh sản…
Trời không phụ người chịu khó, năm 2010 anh thu hơn 1 tỷ đồng, năm 2011 thu hơn 1,4 tỷ đồng từ cà phê. Năm 2012 này, thêm nhiều diện tích cà phê đã cho trái, sản lượng sẽ tăng cao, anh dự kiến sẽ thu trên dưới 2 tỷ đồng. Đặc biệt, vườn mắc ca hơn 800 gốc đầy hứa hẹn, vì theo kết quả thực nghiệm tại Chư Păh, mỗi gốc đã cho chừng 12-13kg quả. Với thời giá hiện tại, vườn mắc ca sẽ cho vợ chồng anh gần 2 tỷ đồng/vụ.
Trải qua những tháng năm vất vả, cơ hàn nên anh Thành thấu hiểu cái khó, cái khổ của người nghèo. Vì vậy, không chỉ làm giàu cho mình, anh còn giúp đỡ gia đình anh Sơn, chị Phượng, chị Ngấn, anh Rơ Châm Bho... ở cùng xã trồng cà phê, mắc ca... Giờ đây các hộ này cũng đã có thu nhập ổn định.
Chúng tôi nhớ mãi lời anh Thành trước khi chia tay: “Thăng trầm trong cuộc đời mỗi con người chỉ là vết xước, nhưng cũng có thể trở thành vết thương nếu người ta không biết dùng thuốc chữa…”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn