Anh Nguyễn Đại Thắng trao đổi về công nghệ làm sạch chuồng lợn bằng vi sinh vật
Bẵng đi nhiều năm, tôi mất liên lạc với Thượng tá Nguyễn Đại Thắng, nguyên GĐ Cty Thăng Long (Bộ Tư lệnh Thủ đô) sau khi anh về hưu thì một ngày nọ, anh “a lô” bảo tôi đến chơi và úp mở: “Tớ làm được cái này hay lắm!”.
Bỏ phố lên đồi
Thời buổi bây giờ, chuyện mở trang trại ven thành phố để vui thú điền viên thì chẳng có gì lạ nhưng việc anh Thắng làm trang trại thì thật khác người. Bán ngôi nhà có mặt tiền rộng ở phố lớn tại Hà Nội, chấp nhận chui vào chỗ “ngõ ngách” hơn, anh mới dư tiền mua được 1,2 ha đất ở xã Minh Phú, Sóc Sơn mở trang trại.
Bạn bè, vợ con không ai đồng tình với quyết định “khác người” này. Phản đối mạnh mẽ nhất là bà cụ thân sinh ra anh. Từ huyện nông nghiệp Quỳnh Phụ, Thái Bình, cụ không ít lần gọi điện lên mắng: “Chẳng ai hâm như anh, đã là thượng tá, giám đốc rồi, nghỉ hưu lại đi nuôi lợn. Đúng là phú quý giật lùi!”. Kệ, anh cứ làm, anh nói với cụ nửa đùa nửa thật: “Mẹ yên tâm, có ngày con sẽ nổi tiếng nhờ nuôi lợn!”.
Không ít người nghĩ anh “hâm” thật! Từ lúc mở trang trại, hình ảnh anh thượng tá, GĐ DN xây dựng, giỏi giao dịch, đường hoàng, lịch lãm ngày nào bỗng dưng…biến mất! Thượng tá bỗng dưng ăn mặc tuềnh toàng, bỏ phố phường, ngày đêm lụi hụi lên Sóc Sơn chỉ đạo xây chuồng, mua lợn, mua gà giống. Chiếc xe con mới mua có lúc nồng nặc mùi lợn, gà.
Trên giá sách, thay cho những cuốn tiểu thuyết giờ toàn sách chăn nuôi. Đã thế, thượng tá lại còn ngược xuôi vào Nam ra Bắc, tham quan khắp các trang trại. Một năm, thượng tá còn có tới dăm bảy bận xuất ngoại, sang tận cả Trung Quốc, Thái Lan xem các… chuồng lợn xứ người. Phu nhân thượng tá không ít lần phàn nàn: “Người ta đi nước ngoài du lịch, ăn chơi, còn ông đi xem các chuồng lợn! Đúng là trời đày ông!”.
Chúng tôi cũng thật sự sốc khi theo anh vào trang trại. Chuồng lợn hàng trăm con đang nằm thở hồng hộc giữa ngày hè thì anh nhảy vào, tay vốc một nắm đất nền chuồng đưa lên mũi ngửi: “Sạch, rất sạch mà! Tôi cam đoan đây là chuồng lợn sạch nhất Việt Nam đấy! Không tin hả! Cứ bốc lên mũi ngửi thử coi!”.
Lúc này, tôi mới thấy lạ. Nền chuồng không đổ bê-tông xi măng, cũng chẳng có hệ thống nước rửa hay cống rãnh dẫn thải phân. Sao cả nghìn con lợn mà nơi này không hề có cái mùi thum thủm đặc trưng? Cũng không thấy bóng một con ruồi, con nhặng? Vậy phân lợn, nước đái của lợn biến đi đâu? Kia nữa, khu chuồng nuôi gà Ai Cập, có hơn một vạn con, tiếng gà gáy, gà kêu ồn ã vang trời, sao cũng không hề thấy mùi phân gà đến mức phải… bịt mũi như ở nhiều trang trại khác?
Thay cho câu trả lời, anh Thắng nhảy vào, cầm cái xẻng, đào tung một nền chuồng lợn rồi giải thích: “Nhờ nền chuồng công nghệ… Nguyễn Đại Thắng đó! Công thức được làm từ đất, cát, một số phụ gia từ thiên nhiên cộng với chế phẩm vi sinh vật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nền vừa là nơi vi sinh vật phát triển vừa là nơi thấm, phân hủy hết các chất thải của lợn gà. Vi sinh vật sẽ “tiêu diệt” hết những vi sinh gây hôi thối có trong chất thải”.
Anh Phan Khắc Bảo, bác sỹ thú y đang thực tập tại trang trại cho hay: “Chính quyền xã Minh Phú từng đóng cửa trang trại ô nhiễm nhưng khi kiểm tra trang trại của anh Thắng, mọi người đều hài lòng: “Trang trại mà sạch thế này thì tốt quá”.
Tầm sư học “sạch”
Ý tưởng mở trang trại bắt đầu từ năm 1992, anh Thắng có chuyến công tác sang Đài Loan (Trung Quốc). Anh rất ngạc nhiên khi thấy ở một trang trại nọ, chỉ có một cặp vợ chồng mà họ nuôi tới 1 vạn con lợn, gấp đôi cả một nhà máy chăn nuôi ở Việt Nam.
Và sau những chuyến tham quan các trang trại trên cả nước, có người bạn thấy anh đam mê, bèn giúi vào tay anh bản dịch cuốn sách “Hãy cứu vớt trái đất”, tác giả là GS Higateruo của Nhật Bản (cuốn sách này chưa được dịch và in chính thức ở Việt Nam).
Nhìn lời đề tựa có vẻ “vĩ mô”, anh Thắng chưa mấy quan tâm. Nhưng rồi đọc sách, anh đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Có rất nhiều câu chuyện diệu kỳ về chế phẩm EM mà cha đẻ của nó, GS Higateruo đã kể lại.
Ông từng là “tín đồ” của phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học. Từ năm 1958 ông bắt đầu nghiên cứu tác dụng của quần thể vi sinh vật hữu hiệu đối với nông nghiệp, tức kỹ thuật EM.
Nhờ vi sinh vật, ông có thể làm vườn cam bị thối quả đến khỉ cũng không buồn ăn thành vườn cam tốt, phân gà có thể biến thành thức ăn nuôi lợn, phân và nước thải của lợn, cừu, trâu bò biến thành phân bón, chuồng lợn, chuồng gà, nhà xí không còn ruồi nhặng, không còn mùi hôi thối… Thành quả này từng gây xôn xao giới khoa học quốc tế, được coi là giải pháp hữu hiệu để “cứu thế giới” trước vấn nạn ô nhiễm môi trường. Chìa khóa là đây!
Nghĩ là làm, anh lặn lội tới ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN), gặp các tiến sỹ nhờ giúp đỡ. Rồi anh lại gặp TS Phạm Khắc Quảng, một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về chế phẩm EM. Ông Quảng ban đầu không tin lắm ở ông thượng tá, cựu GĐ nhìn không mấy “nông dân” nên chỉ quẳng cho Thắng một ít tài liệu, “bơm” cho anh một ít chế phẩm gốc, bảo “cứ tập mà làm”.
Mấy năm gần đây, ở nước ta, cũng có nhiều nơi áp dụng chế phẩm EM nhưng mới chỉ rất rải rác. Ở Quảng Trị hay Bạc Liêu, cũng mới có nông dân dùng EM ủ thức ăn cho gia súc ăn sạch, lại có người phun chuồng trại cho bớt hôi hay mang ủ với phân bò để khử mùi.
Lọ mọ với những lọ chế phẩm, pha pha, chế chế theo kiểu “kỹ sư chân đất”, anh Thắng ngày càng phát hiện ra những tính năng thú vị của EM. Phun chuồng trại tốt! Ủ thức ăn tốt! Tưới xuống ao, nền ao phân hủy, ao sạch, cá không bị bệnh!
Cứ theo sách của ông Higateruo mà đọc, anh đánh “liều” làm thêm một việc mà ở Việt Nam chưa ai làm: Chế tạo ra công nghệ nền chuồng chăn nuôi. Thành công và… rất tốt! Chỉ một năm sau ngày bàn giao những chai lọ, trở lại thăm trang trại, TS Quảng kinh ngạc khi thấy anh đã làm được điều mà ở Việt Nam, chưa trường đại học nào, viện nghiên cứu nào làm được trong áp dụng chế phẩm EM.
Không chỉ có một loại, anh Thắng còn mày mò pha chế, tạo ra được nhiều loại dung dịch EM thứ cấp, phục vụ cho hàng loạt công việc chăn nuôi, xử lý môi trường khác nhau. Ông Quảng thốt lên: “Ông quả là một “tiến sỹ” chân đất, tiến sỹ tự nghiên cứu! Tôi chịu ông!”.
“Công nghệ Nguyễn Đại Thắng” khiến ông Quảng rất ngạc nhiên: Chuồng lợn cứ 2 m2 một con, nền chuồng trải một lớp đất pha phụ gia có tưới chế phẩm vi sinh vật EM dày 1m. Lớp nền này có thể hoạt động 4 - 5 năm, hằng ngày đủ sức thấm và phân hủy hàng chục lít nước thải, phân của lợn, gà mà vẫn “chạy tốt”, giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng cho mỗi chuồng.
Không những thế, sau vài năm, lớp phân đã được vi sinh vật xử lý lại được tạo thành phân vi sinh chất lượng cao, có thể bán ra thị trường với giá từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. “Các nhà khoa học đã tính, 8 con lợn sau 4 tháng có thể tạo ra lượng phân vi sinh đủ bón cho 1 ha ngô. Mà phân này ích lợi hơn hẳn phân hóa học, làm đất tơi xốp, không gây ô nhiễm, bạc màu, lại nuôi giữ được giun, vi sinh vật trong đất”, anh Thắng cho biết.
Những mẻ phân vi sinh đầu tiên, anh đã mang ra trồng rau quả trong vườn. Lại là những vườn rau rất sạch. Không cần phân hóa học, cũng chẳng phun thuốc sâu mà rau rất xanh non, không có sâu bệnh. Dưới gốc rau, cóc nhái, giun, dế sinh sôi, một khu vườn bình yên và sôi động!
Ở trang trại của anh Thắng, những con lợn “sạch” không chỉ vì chúng được nuôi trong chuồng trại rất sạch mà về giống, chúng được chọn lựa lai giữa lợn “Tây” và giống lợn Móng Cái thuần Việt, thức ăn cho chúng là rau quả thiên nhiên lên men ủ chế phẩm EM chứ không phải là thức ăn công nghiệp. Lợn trong chuồng nền đất cát có vi sinh vật, chúng vận động dũi ủi nền như ở thiên nhiên nên rất khỏe, chẳng phải thứ lợn “nằm ì” trên nền xi măng để bụng đầy mỡ.
Còn hơn 1 vạn gà Ai Cập, trong đó 1/10 là gà trống, cho ăn thức ăn tự nhiên, có trống có mái đã cho ra lò những mẻ trứng chất lượng, thơm ngon khác hẳn. Tới đây, anh sẽ cho ra mắt một trang web bán hàng trực tuyến sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà “sạch” của trang trại.
Hàng loạt chế phẩm EM thứ cấp do anh Thắng pha chế thành công có thể áp dụng hữu ích trong xử lý môi trường chuồng trại, ao hồ, hệ thống làng nghề, cống rãnh… ở nông thôn hoặc tạo thành quy trình chăn nuôi, trồng trọt sạch sẽ, bền vững.
Anh Thắng sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị quân đội có khu tăng gia, chăn nuôi tập trung hay các vùng nông thôn có nhu cầu. Xin liên hệ theo số điện thoại anh Thắng: 0916511886, email: nguyendaithang77@gmail.com.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn