Non nước Đèo Ngang, con đèo lịch sử đã đi vào ca dao huyền thoài. Vua Lê Thánh Tông, Thiệu Trị, nhà văn hóa Vũ Tông Phan, chí sĩ yêu nước Ngô Thì Nhậm, văn hào Nguyễn Du, Cao Bá Quát.. đã từng lưu dấu tại nơi này và để lại những tuyệt phẩm thơ cổ. Đặc biệt, trong bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan, cảnh đèo hiện lên như bức tranh thủy mặc, đẹp đến nao lòng người, nhưng phảng phất một nỗi buồn cố hữu. Vùng đất “cỏ cây chen lá đá chen hoa”, ngàn năm qua vẫn luôn được coi là vùng đất giàu tiềm năng chưa được đánh thức. Rồi, tới một ngày…
Sinh năm 1966, tuổi Bính Ngọ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Kình, Nguyễn Văn Thiệu từng phiêu bạt gần 20 năm nơi đất khách, quê hương. Hết Nga, Đức, Pháp, Hà Lan, tới Nhật, lại sang Angola… Cuối cùng, khi tuổi đã xế chiều, anh quyết định trở về đúng mảnh đất còn nhiều gian khó với mong muốn làm điều gì đó có ích, trả nghĩa với quê hương.
Ngược dòng thời gian, trở về những năm 2002, khi đó Công ty CP Tiến Kình là một trong những doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Hà Tĩnh theo chương trình kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh. Công ty đã chọn khu vực bãi biển Đèo Con thuộc địa phận xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, điểm cuối cùng của tỉnh, sát chân Đèo Ngang xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Đèo Con - Kyoto.
Anh Thiệu nhớ lại: “Khi tôi quyết định chọn nơi này, một số thành viên trong gia đình cũng là cổ đông của Công ty không đồng ý, bởi “nhìn mãi không ra được tương lai”. Khi ấy, cả vùng đất chỉ có cây gai, cỏ dại, sim mua, vắt, đỉa và ruồi xanh. Họ cho rằng tôi quá mạo hiểm. Nhưng tôi lại nhìn ra ở nơi đây có nhiều ưu thế. Đó là, diện tích rộng, có rừng và hệ sinh thái rừng, có nguồn thực phẩm sạch tại chỗ. Sát biển, sát quốc lộ xuyên Việt đi qua, gần cảng Vũng Áng - một khu công nghiệp lớn đang trong gia đoạn hình thành và phát triển... Cộng thêm những gì học được trên đường đời, cho tôi một kinh nghiệm “muốn làm được nhà cao hàng trăm tầng, phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên”. Tính tôi đã quyết, là làm đến cùng cho dù trước mặt là muôn vàn gian khó.
Từ một bãi biển hoang sơ, cỏ dại, đất đai cằn cỗi, Công ty đã mạnh dạn đầu tư gần bốn trăm tỷ đồng, cải tạo khuôn viên mặt bằng, tạo cảnh quan môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng với quyết tâm xây dựng khu vực bãi biển Đèo Con - Kyoto thành một địa chỉ nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái biển văn minh, hiện đại.
Thấm thoắt đã mười năm trôi qua với bao nỗi vất vả, với sức người, sức của, sự nỗ lực, ý chí của toàn thể công nhân viên công ty, cây gai và cỏ dại năm nào nhường chỗ cho hàng chục loại cây cảnh, cây ăn trái và nhiều loại hoa quý. Màu xanh đang phủ kín dần, khu sinh thái đang thay đổi hình hài mỗi ngày.
Sau 10 năm hoạt động, Khu du lịch sinh thái biển Đèo Con- Kyoto ngày càng khẳng định uy tín, thương hiệu của mình, trở thành địa chỉ nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái biển hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, Đèo Con-Kyoto còn là điểm dừng chân lý tưởng cho hành khách trên lộ trình Bắc-Nam.
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thái, quê Bắc Ninh, làm việc lại thành phố Hồ Chí Minh khi chiếc xe Mai Linh nghỉ chân tại trạm, anh cho biết: “Sau hàng chục giờ trên xe ô tô, được nghỉ chân tại nơi này, ngắm biển xanh, cát vàng, thấy tâm hồn thư thái, vợi đi nỗi mệt nhọc, để tiếp tục trên những chặng đường tới. Không chỉ vậy, giá cả bữa ăn, đồ uống phải chăng, nên hành khách rất yên tâm khi dừng chân tại đây.
Với gần 15 ha đất ven biển, sát đường quốc lộ, có suối, có hồ, Công ty Cổ phần Tiến Kình đã quy hoạch xây dựng, kết hợp hài hoà giữa những khu biệt thự sang trọng ba, bốn sao, khu nhà văn phòng cho nước ngoài thuê dài hạn, ngắn hạn với các khu vui chơi, dạo mát trong rừng cây, vườn sinh thái. Hiện công ty đã bàn giao hai khu nhà cho các chuyên gia của Italia và Bỉ sang công tác tại nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.
Đặc biệt, hàng chục chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến từ 13 quốc tịch như Nga, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Malaysia... hiện đang lưu trú và làm việc tại nơi này.
Giờ đây, khi ngồi trong nhà hàng Hoa Sim, ngắm nhìn những chiếc tàu đánh cá đang cần mẫn buông lưới phía xa xa, mới thấy con mắt của vị Tổng giám đốc thật tinh đời. Tuy vùng đất Kỳ Anh một thời khô cằn, xơ xác nhưng thiên nhiên lại phú cho nơi đây một dải ven biển Đèo Con trong xanh, bãi cát vàng, không một gợn san hô, quanh năm hào phóng những làn gió mát lành, đặc biệt vào những ngày hè oi ả. Hai đầu hai mỏm núi nhô ra sát biển như hai tấm bình phong che chắn cho bãi tắm thêm vẻ thơ mộng. Ban đêm, những ánh đèn hắt ra từ khu Công nghiệp Vũng Áng cách đó không xa như nghìn ánh sao đang tỏa sáng trong đêm, với tiếng sóng vỗ rì rào, khiến ai một lần cảm nhận sẽ chẳng thể nào quên cảm giác yên bình, thư thái.
Ngoài những giờ nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển, du khách được tham quan đỉnh Đèo Ngang, trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256m so với mặt nước biển, dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa, và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan (cửa Hoành Sơn) ở đỉnh Đèo Ngang, cao hơn 4 m. Hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển. Ngoài ra, du khách có thể vào tham quan các di tích văn hóa lịch sử, khu lưu niệm Hà Huy Tập, đền Bích Châu... Đặc biệt vùng phụ cận của với Đèo Ngang còn có đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh. Vượt qua Đèo Ngang hùng vĩ, sang đất Quảng Bình, thăm động Phong Nha, Kẻ Bàng…
Không chỉ có công đánh thức một vùng đất, hiện Khu du lịch sinh thái thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, ưu tiên con em địa phương, với thu nhập bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể hàng trăm lao động gián tiếp khác làm ra các sản phẩm cung cấp hằng ngày cho công ty tiêu thụ. Nhờ đó nhiều gia đình trong khu vực đã thoát nghèo. Không chỉ luôn thực hiện đầy đủ luật đầu tư, Công ty luôn tích cực cùng với địa phương tham gia các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ đồng bào vùng bão lụt…
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thiệu, cho dù những hoạt động còn khiêm tốn, nhưng anh hi vọng, trong tương lai không xa, khi Khu sinh thái ngày càng hoạt động có quy mô hơn, sẽ tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân nơi đây, đồng thời, đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh, xã hội. Khi đó, nỗi niềm đau đáu trả ân nghĩa với quê hương mới nguôi ngoai trong lòng.
Tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm ngày đầu tư về Kỳ Anh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thiều Đình Duy đánh giá cao nỗ lực của công ty khi hướng về quê hương bằng những chương trình đầu tư phát triển thiết thực, tạo việc làm cho con em trên địa bàn, đồng thời khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của thiên tạo để đầu tư phát triển bền vững, góp phần cải thiện môi trường sinh thái biển. Ông cũng cho rằng, đây là một trong những mô hình du lịch sinh thái biển cần được nhân rộng nhằm không ngừng phát triển ngành du lịch biển Hà Tĩnh ngang tầm khu vực và quốc tế.
Theo: Nhandan.org.vn