Bà Ngụy Thị Chinh, thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại chăm sóc ruộng khoai tây |
Đã cuối giờ nên chúng tôi không vào UBND huyện làm việc, thành thử rút máy gọi cho anh Hoàng Hữu Lân, Phó phòng NN- PTNT huyện Yên Dũng. Ngay sau khi nắm được tinh thần của chúng tôi, anh Lân bảo: “Về xã Tư Mại gặp anh Luân, Chủ tịch xã, các anh sẽ thấy rõ về giá trị của SXNN, đặc biệt là phong trào làm vụ đông ở đó”.
Trước khi tắt máy, anh Lân còn nói: “Chắc giờ này anh Luân về nhà rồi, để tôi gọi anh ấy ra ủy ban tiếp nhà báo”. Tôi bảo: “Anh làm ơn, chuyển lời tôi, trưa mai có thể gặp nhau trên cánh đồng vụ đông luôn được không?”.
Thế rồi, chúng tôi đã gặp nhau ngay trên cánh đồng khoai tây của xã Tư Mại. Gần chính ngọ nhưng vì trời lạnh nên nhiều người dân vẫn đang miệt mài trên những ruộng khoai của mình. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, vợ chồng ông bà Ngụy Thị Chinh ở thôn Hưng Thịnh đã nhanh chóng làm đất và triển khai SX vụ đông theo đúng lịch chỉ đạo của xã. Nói chuyện với chúng tôi, bà Chinh cho hay: “Nhiều năm nay, người dân ở đây vẫn làm cây vụ đông nhưng 2 năm rồi làm nhiều nhất và bài bản nhất. Từ khi dồn điền đổi thửa xong việc canh tác gặp rất nhiều thuận lợi”.
Chồng bà Chinh cũng góp lời: “Nếu không làm được như thế này thì ruộng sẽ manh mún và việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ được cấp trên quan tâm nên hệ thống kênh mương, đường nội đồng được đầu tư, mở rộng. Có một điều rất sướng cho việc làm đất của nông dân chúng tôi là do máy móc thực hiện.
Nhờ đó mà sau khi thu hoạch xong lúa là bắt tay ngay vào làm vụ đông. Chứ như trước đây, gặt xong lúa, quay lại làm vụ đông, một mặt không kịp thời vụ, mặt khác người không còn sức nữa nên không chỉ giảm về diện tích mà còn giảm cả về năng suất, chất lượng”.
Được biết, vụ đông năm nay, gia đình bà Chinh làm 6 sào khoai tây. Cùng với bà thì có hàng trăm hộ trong xã cũng tham gia SX khoai tây. Theo tính toán của vợ chồng bà Chinh thì sau 100 ngày trồng, khoai tây sẽ cho thu hoạch. Việc trồng không mất nhiều công sức và nếu mua được giống tốt thì rất ít sâu bệnh. Vì thế, trừ chi phí cho SX rồi vẫn lãi to. Nếu chăm sóc tốt thì mỗi sào có thể cho 2 - 2,5 tạ củ.
Đã quá trưa nhưng ông Phạm Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tư Mại vẫn rất nhiệt tình cùng chúng tôi đến các chân ruộng gặp gỡ và trò chuyện với các hộ trồng khoai. Tôi băn khoăn, không hiểu sao, trước khi về đây, anh Lân ở Phòng NN- PTNT huyện bảo tôi là phải gặp cho được Chủ tịch Luân thì mới thấy rõ bức tranh vụ đông? Đúng là tiếp xúc với Chủ tịch xã Tư Mại tôi mới rõ một điều ông là con người của nông nghiệp. Nhìn nhận ở khía cạnh khoa học thì ông Luân rất có kinh nghiệm trong chỉ đạo nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào SX.
Kể về câu chuyện vụ đông ở xã, ông Luân nhớ về những ngày làm Chủ tịch Hội Nông dân. Ông bảo, năm 1997, ông có người bạn học ở Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội và nghiên cứu đề tài về giống khoai tây. Để có đánh giá tốt nhất cho công trình, người bạn đó đã mang giống khoai tây về xã Tư Mại trồng thông qua Hội Nông dân xã. Sau vài vụ SX, thấy khoai tây rất hợp với chất đất và khí hậu ở đất này nên từ đó đến nay việc SX khoai tây ở Tư Mại được duy trì.
"Sau ngày tôi lên làm Chủ tịch UBND xã thì việc SX vụ đông liên tục nhận được sự quan tâm của cấp trên và tinh thần hưởng ứng của người dân. Năm nay, Tư Mại SX theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nên đã có 50 ha khoai tây ở vụ đông này".
Cũng theo kinh nghiệm của ông Luân thì khoai tây là củ tích nước, không thể để lâu được. Chính vì thế, ngoài việc thực hiện tốt chính sách của cấp trên trong việc hỗ trợ 30% giống, tiền làm đất cho nông dân thì việc tiếp theo của xã là phải tìm cho được đầu ra sản phẩm.
Một điều may mắn mà Tư Mại có được đó là ký kết hợp đồng với Viện Công nghệ sinh học, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cả về giống SX lẫn việc tiêu thụ sản phẩm. Qua tìm hiểu, được biết, phía Cty TNHH Orion Food Vina (Hàn Quốc) có trụ sở ở Bắc Ninh đã ký hợp đồng với người dân mức giá 6.500 đ/kg (có 400 đồng là chi phí bao bì).
Ông Xô cho hay: “Việc kinh doanh của tôi ra ngân hàng giao dịch là lẽ thường tình. Nhưng vào thời điểm này ra ngân hàng là gặp người làng mình đến giao dịch rất đông. Những lần đầu tôi ngỡ là họ ra vay nhưng sau tôi ngẫm là không phải vì nếu vay thì sẽ phải có xác nhận của thôn, xã, trong khi tôi còn tham gia làm trưởng thôn mà chẳng phải ký xác nhận hồ sơ cho gia đình nào cả.
Dần dần tôi mới biết là họ ra ngân hàng để gửi tiền. Ngay như ở thôn Tân Lập, xã Cao Thượng có 225 hộ thì đến nay chỉ có 11 hộ nghèo, số còn lại là giàu và khá giả. Có những gia đình như hộ Trần Văn Cảnh, hộ Trần Thị Phương sau khi lập gia đình đều ra ở riêng với hai bàn tay trắng mà chỉ sau chưa đầy chục năm, nhà nào cũng giàu có, gửi tiết kiệm ngân hàng vài ba trăm triệu. Con cái thì học hành rất tốt và nhà cửa khang trang. Chính vì thế mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây rất khá”. |
Có một điều khoản trong hợp đồng được thể hiện, là tại thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường thấp hơn mức trên thì phía Cty vẫn thanh toán đủ như hợp đồng đã ký kết; nếu giá thị trường cao hơn, cứ tăng 10% thì phía Cty sẽ trả cho người dân 85% của giá tăng.
Điều đặc biệt ở Tư Mại làm được mà ở những xã lân cận không làm được đó là Chủ tịch UBND xã đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh cho người dân và Cty. Ông Luân nói: “Nếu có sai sót gì ở đây, tôi xin chịu trách nhiệm nhưng trước hết là chúng tôi phải tạo được niềm tin cho người dân họ yên tâm SX”.
Chia tay Yên Dũng, chúng tôi về huyện Tân Yên, trọng điểm SX lạc vụ đông. Ông Phạm Đăng Xô, Chủ tịch Hội SX và tiêu thụ lạc của huyện cho hay: “Mấy năm nay diện tích trồng lạc vụ đông toàn huyện luôn duy trì 1.000 ha; năng suất đạt 2 tấn lạc khô/ha và với giá hiện nay bán ra đạt 35 - 37 triệu đ/tấn. So với trồng lúa thì làm lạc vụ đông lãi hơn nhiều, lãi gấp đôi đấy. Cụ thể, làm 1 sào lạc bằng 2,5 sào lúa”.
Ông Xô còn cho hay: “Dân ở đây làm vụ đông máu lắm. Không ai để hoang đất, không ai để ngày rộng tháng dài trôi đi. Ngoài diện tích làm lạc trên đất hai lúa, ở Tân Yên, người dân còn tận dụng các vùng đất để trồng thêm các loại cây màu khác như ngô ngọt, ớt, rau màu; cùng với đó là trồng vải và chăn nuôi để phát triển kinh tế”.
+ Vụ đông 2012, Bắc Giang gieo trồng được 24.468 ha (đạt 112,8% kế hoạch). Hình thành nhiều vùng SX cây hàng hóa tập trung với quy mô lớn, như vùng SX lạc giống, rau quả chế biến cho thu nhập từ 60 - 150 triệu đ/ha/vụ.
Tỉnh có nhiều chính sách đặc thù cho kích cầu phát triển cây vụ đông như hỗ trợ SX rau quả chế biến tập trung, mức 3 triệu đ/ha cho nông dân mua giống, vật tư phân bón; 20 triệu đ/ha cứng hóa kênh mương cho vùng SX chế biến rau tập trung có quy mô > 5 ha. Hỗ trợ 350 triệu cho mô hình CĐML quy mô 50 ha...
+ Cũng tại huyện Tân Yên, chúng tôi tìm hiểu về phong trào làm vụ đông ở xã Tân Trung. Bà Thân Thị Bé ở xóm Trong, xã Tân Trung cho hay: “Tôi có 10 thước ruộng. Năm ngoái trồng ớt thu hoạch được 13 triệu đ. Có hôm tôi hái bán được 800.000 đ. Năm nay nhiều nhà xung quanh làm ớt, giá có xuống chút ít nhưng tôi nhận thấy là làm lúa chỉ lấy gạo ăn thôi. Bán lúa để mua thức ăn có thể phải dè dặt nhưng làm cây vụ đông thì sẽ có thịt, cá ăn hàng ngày”.
Ngày 10/1/2013 - Theo vietnamngaynay.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn