Có kiến thức, thu nhập tăng
Anh Đặng Hữu Cưởng, thôn Quảng Xuyên (xã Phú Xuân) là một trong những học viên theo học khoá đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây cảnh. Anh Cưởng cho biết: “Trước đây, thu nhập chính của gia đình tôi từ trồng lúa và hoa màu.
Những lúc rảnh rỗi, tôi sưu tầm cây cảnh về trồng để chơi. Được Hội ND xã thông báo có lớp học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, tôi đăng ký tham gia. Kết thúc khóa học, tôi quyết định chuyển sang kinh doanh cây cảnh”. Hiện gia đình anh Cưởng có 100 cây cảnh các loại. Ngoài thu nhập từ trồng rau màu, mỗi năm cây cảnh đem về cho gia đình anh 50 triệu đồng.
Sau khi học nghề xong, ông Trần Xề đã mở rộng quy mô nuôi thủy sản. |
Nói về kiến thức thu được từ lớp đào tạo nghề, anh Cưởng cho hay: "Tham gia lớp học, tôi đã hiểu hơn về kỹ thuật chăm sóc, chu trình phát triển của cây cảnh, nghệ thuật tạo thế cho cây".
Ông Trần Xề, thôn Lai Bình, chọn cho mình nghề nuôi trồng thủy sản để học. Học xong lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản do Hội ND xã tổ chức, ông quyết định mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình. "Trước đây, tôi nuôi cá theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau 3 tháng tham gia khóa học nuôi trồng thủy sản, tôi đã biết cách cải tạo, nạo vét ao; nuôi lồng ghép các loại cá, chọn thức ăn cho cá...”- ông Xề tâm sự. Hiện gia đình ông có 1 hồ 5.000m2 nuôi tôm, cua, cá dìa, cá kình, trung bình mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng.
Không chỉ anh Cưởng, ông Xề, nhiều ND trong xã sau khi học nghề đã áp dụng thành công kiến thức đã học, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình.
Dạy theo nhu cầu
Ông Đặng Hữu Yên
Nhờ đào tạo những nghề thân thuộc với ND ngay tại thôn, xã đã giúp bà con tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Ông Đặng Hữu Yên - Chủ tịch Hội ND xã Phú Xuân, cho biết: Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương nhằm tạo việc làm cho ND luôn là mục tiêu mà Hội ND xã hướng tới.
Năm 2012, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 3 lớp dạy nghề cho hơn 100 lao động nông thôn. Các nghề được đào tạo chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi thú y. Tổ chức 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 150 ND. Phần lớn sau khi học xong, các học viên đã áp dụng kiến thức đã học tại mô hình của mình, cho hiệu quả cao hơn khi chưa học.
Theo ông Yên, để việc dạy nghề cho ND thực sự hiệu quả, cùng với việc tổ chức dạy các nghề ND cần, khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của ND trước khi tổ chức lớp học rất cần sự nỗ lực của mỗi học viên khi tham gia học nghề. Thời gian tới, Hội ND Phú Xuân tiếp tục mở các lớp dạy nghề tại thôn, xã. "Khi ND có nghề trong tay thì họ có thể tự mở trang trại tại gia đình hoặc xin vào làm việc tại các các cơ sở khác. Khi ấy họ có lợi thế hơn lao động phổ thông không có tay nghề" - ông Yên chia sẻ.
Thanh Nga
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn