Điển hình như gia đình anh Nguyễn Ngọc Chơn ngụ ở ấp Tân Phong (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, từ trồng lúa hiệu quả thấp anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loài hoa này. Bắt đầu từ năm 2008 đến nay, anh mở rộng gần 1ha diện tích trồng huệ, mỗi năm cho thu nhập bình quân 20 - 30 triệu đồng/công (1.000m2). Theo kinh nghiệm của anh Chơn, vào mùa nắng nhện đỏ xuất hiện nhiều, để phòng trừ thì có thể xịt thuốc 1lần/tuần. Bên cạnh, tưới nước đầy đủ không để đất khô vì nhện có đặc tính phát triển nhanh khi thời tiết nóng và khô.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Định Thành, xã Định Hòa (huyện Lai Vung), cũng khá lên từ khi chuyển sang trồng huệ.
Theo kinh nghiệm của anh, trồng huệ cần nhất là phải lên liếp; bề rộng từ 1,2 - 1,3m; cao 30cm; khoảng cách giữa các liếp dao động từ 55 - 60cm. Tưới nước ngày chỉ 2 lần sáng sớm và chiều mát. Thời gian trồng cũng tương đối ngắn từ 5 - 8 tháng, cho bông liên tục trong vòng 3 năm. Đặc biệt, ngoài sử dụng phân DAP hay NPK thì cần bổ sung thêm phân hữu cơ và phân chuồng. Anh Hoàng cho biết, huệ rất được ưa chuộng vào dịp rằm, tết còn ngày thường giá huệ loại nhất 2.400 đồng/bông, huệ loại nhì 1.800 đồng/bông. Sau khi trừ chi phí, mỗi công anh có lời từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.
Nhưng trồng huệ cũng gặp không ít khó khăn, bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, sâu gặp nhiều vào mùa nắng như: nhện đỏ, bọ trĩ (bù lạch), bệnh thối bẹ, bệnh thối gốc, bệnh héo xanh, bệnh chai bông do tuyến trùng,…
Đối với bệnh chai bông do tuyến trùng, Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn – Bộ môn hoa và cây cảnh, Viện cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, bà con phải làm đất kỹ trước khi trồng như cày bừa, bón thêm vôi và phơi khô đất. Đặc điểm tuyến trùng có thể sống tiềm sinh trên vỏ trấu, rơm rạ hoặc thân, cành, hoa và củ giống cây huệ vụ trước nên bà con phải nhổ bỏ cây bị bệnh để diệt mầm bệnh và tuyến trùng trong tàn dư cây trồng. Hoặc khử trùng củ giống bằng cách phơi khô củ một thời gian; bóc tách bớt các lớp vỏ khô bên ngoài củ giống ngâm củ trong dung dịch có pha thuốc trừ tuyến trùng hoặc nước nóng trước khi trồng (nhiệt độ 50 độC trong 30 phút).
Theo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung, ban đầu chỉ một vài hộ ở xã Phong Hòa trồng hoa huệ, đến nay diện tích trồng huệ (trắng) phát triển trên 200ha tập trung chủ yếu ở xã Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa và Vĩnh Thới. Hoa huệ sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu bán cho thương lái cung cấp cho các tỉnh như: Vĩnh Long, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh,… Với xu thế diện tích phát triển, lợi nhuận thu được từ hoa huệ cao gấp nhiều lần so với trồng 03 vụ lúa như hiện nay, ngành nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển bền vững tránh cung vượt cầu, thành lập hợp tác sản xuất để đảm bảo quyền lợi cho bà con.
Trong ánh nắng oi bức của mùa hè, nhìn những liếp huệ sẻ dọc một màu xanh, trắng hòa quyện thật đẹp mắt mà tôi thấy vui lây và thầm nghĩ mảnh đất nơi đây đã thích hợp với cây trồng này, lại được nông dân đồng tình chuyển đổi nên mang lại hiệu quả cao. Nếu được sự quan tâm của địa phương và các ngành liên quan thì hy vọng tới đây cây huệ không những đem lại nét đẹp và mùi thơm mà còn góp phần đổi thay đời sống người dân ngày một phát triển hơn./.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn