Thái Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển các mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại, gia trại bởi tiềm năng đất đai dồi dào (đặc biệt là đồi núi), người lao động cần cù, sáng tạo… Chính vì vậy, những năm qua, trên địa bàn đã xuất hiện hàng trăm trang trại làm ăn hiệu quả. Theo thống kê, Thái Nguyên có 270 trang trại đạt tiêu chuẩn, được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận; ngoài ra còn có hàng nghìn gia trại đang làm ăn hiệu quả, với mức thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/trang trại/năm. Đáng chú ý là quy mô của các trang trại, gia trại ngày càng được mở rộng, nhất là mô hình VAC tổng hợp, nuôi con đặc sản, nuôi ong lấy mật kết hợp trồng cây ăn quả, trồng hoa - cây cảnh… Trong năm 2011, vượt qua nhiều khó khăn, hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đều làm ăn có lãi, điều này tạo động lực cho bà con tiếp tục mở rộng sản xuất, đồng thời tích cực liên kết, gắn bó với nhau, trên cơ sở đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhiều chủ trang trại, gia trại đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vượt qua khủng hoảng kinh tế. Qua khảo sát 50 trang trại thấy, năm 2011 là năm các sản phẩm của kinh tế trang trại có đầu ra thuận lợi, tổng doanh thu của các trang trại đạt 123 tỷ đồng, bình quân một trang trại thu 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi trang trại lãi trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, kinh tế trang trại đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động... Gia đình ông Đặng Văn Thể ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) nuôi 200 - 300 thùng ong, mỗi năm thu được 3 - 5 tấn mật, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không những làm giàu cho gia đình, ông Thể còn tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp đỡ nhiều gia đình trong thị trấn vươn lên làm giàu nhờ nghề nuôi ong lấy mật. Tương tự, trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Minh ở xã Na Mao (huyện Đại Từ) cũng là một trong những điển hình đáng để bà con học hỏi. Minh cho biết, năm 2005, khi đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để cải tạo vườn tạp, xây dựng trang trại chăn nuôi với 60 lợn nái, 800 lợn thịt, hàng trăm đàn ong…, cho thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Không những thế, anh Minh còn là tấm gương đi đầu trong việc xử lý môi trường chăn nuôi bằng hầm biogas. Cũng nhờ xây hầm biogas mà chuồng trại nhà anh không những luôn sạch sẽ mà còn đủ khí gas phục vụ cuộc sống gia đình và 4 hộ xung quanh. Đặc biệt, chỉ với hơn 2.000m2 đất vườn nhưng ông Nguyễn Mạnh Nhân ở huyện Phú Bình đã có thu nhập tới 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng táo. Chia sẻ về cách làm của mình, ông Nhân cho biết: "Làm lúa bao năm mà vẫn nghèo nên tôi nhiều lần bàn với gia đình gánh đất phù sa ở ven sông, ven suối về cải tạo khu vườn. Sau đó, tôi chọn táo làm cây trồng chủ lực, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn". Nhận thấy mô hình trồng táo của gia đình ông Nhân cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình ở địa phương đã tìm đến học hỏi và làm theo. Đến nay, ông còn mở thêm dịch vụ sản xuất giống táo để cung ứng cho bà con. Nói về chiến lược phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn, ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Là tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế vườn rừng nên tới đây, Thái Nguyên sẽ chỉ đạo các địa phương quy hoạch các khu chăn nuôi, trồng trọt tập trung; tìm ra thế mạnh của từng vùng để phát triển sản xuất hiệu quả; chú trọng gắn phát triển kinh tế vườn với chương trình XDNTM. Thời gian qua, HLV tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế VAC, được nhiều cấp, ngành ghi nhận, khen ngợi, nhưng để sản xuất hiệu quả hơn nữa, cũng như tăng thu nhập cho hội viên và nông dân, chúng ta cần thay đổi phương thức sản xuất, nhất là tăng cường ý thức kỷ luật trong làm ăn. Đặc biệt là cần tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, chỉ làm ra những sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng". Văn Thương Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn