Trong tổng diện tích 2.217 ha, chỉ có 400 ha đất nông nghiệp và thủy sản nên việc chọn hướng xây dựng và phát triển kinh tế vườn đồi là điều tất yếu ở Bắc Sơn. Tuy nhiên, canh tác nhỏ lẻ, manh mún, tự phát trước đây chưa phát huy hết lợi thế vốn có nên kết quả chưa cao. Bắt đầu từ năm 2012, chính quyền xã và bà con chú trọng đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trại, tổ hợp tác. Đến nay có gần 300 hộ tự nguyện tham gia các mô hình và kết quả bước đầu đã trở thành động lực để người dân mở rộng sản xuất. Đến thôn xóm nào, chúng tôi cũng nghe bà con phấn khởi bảo nhau: sau lần thu hoạch này sẽ gắng mua thêm vài ba con hươu, chục con lợn, gắng trồng thêm ít hoa và mở rộng đồi chè…
Vườn hoa của bà Nguyễn Thị Định (xóm Xuân Sơn) cho thu nhập khá ổn định. |
Ông Nguyễn Đình Phú - cán bộ phụ trách NTM xã Bắc Sơn chia sẻ: “Nhân dân xã nhà gần như sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Bỏ qua những khó khăn về thiếu đất trồng lúa mà xác định thế mạnh để sản xuất nông - lâm kết hợp, trên tinh thần đó, UBND xã tập trung mũi nhọn vào kinh tế vườn đồi, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của T.Ư và địa phương để hỗ trợ bước đầu cho nhân dân”.
Men theo con đường dốc thoải đặc trưng của vùng miền núi, chúng tôi đến vùng trồng chè lớn nhất nhì xã ở các thôn Kim Sơn, Xuân Sơn. Trước đây, khi chưa có chủ trương phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ bó hẹp trong xã thì họ trồng ngay tại vườn nhà hoặc nhận đất đồi hoang để trồng với diện tích nhỏ, nhưng nay đã chú trọng phát triển hàng hóa nên trồng với diện tích lớn hơn. Hiện toàn xã có tới 55 ha chè, với 35 hộ tham gia, bình quân thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của cây chè trong toàn xã đạt gần 5 tỷ đồng/năm. Bà Trần Thị Hải (thôn Kim Sơn) cho biết: “Tôi nhận 0,5 ha đất đồi để trồng chè, mỗi năm thu nhập 40 triệu đồng với 2 lao động nên kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn. Nay trồng chè không phải đi bán như trước mà có người đến tận nơi thu mua sản phẩm”. Ngoài trồng chè, xã còn hướng dẫn bà con trồng keo và gần đây nhất là bước đầu trồng cao su tiểu điền trên diện tích đất lâm nghiệp.
Trồng hoa cũng là một hướng đi được chính quyền xã quan tâm và tích cực nhân rộng. Đặc điểm khí hậu và đất đai ở đây phù hợp với các loại hoa như đồng tiền, cúc, đặc biệt là hoa đào cho hiệu quả kinh tế cao dần thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Diện tích trồng hoa các loại của xã đạt gần 10 ha, trong đó, hoa đào mới được triển khai nhưng đã có 35 hộ tham gia trồng với hơn 4.000 gốc. Bà Nguyễn Thị Định (xóm Xuân Sơn) có gần 1.000m2 trồng hoa chia sẻ: “Nhà tôi trồng hoa nay đã cho thu hoạch hằng ngày. Trung bình mỗi ngày khoảng 300-350 ngàn đồng. Vì hoa có màu sắc đẹp, lại không bị hư hại do quãng đường vận chuyển ngắn nên được thị trường TP Hà Tĩnh ưa chuộng”.
Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng phát triển theo các mô hình trang trại tập trung. Tận dụng lợi thế diện tích vườn rừng, vườn đồi rộng nên các hộ ở đây chăn nuôi gà thả vườn theo dạng tổ hợp tác hoặc gia trại từ 100-2.000 con. Lợn là giống nuôi truyền thống, nhưng nay được triển khai quy mô lớn. Hiện xã có 4 trang trại lợn với tổng đàn 2.000 con. Trang trại xây dựng xa khu dân cư nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Nuôi hươu là nghề còn khá mới mẻ nhưng bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Trong 2 năm triển khai mô hình nuôi hươu lấy nhung, toàn xã nhân đàn được 54 con, trung bình mỗi hộ có 4-5 con. Ông Dương Công Thứ (xóm Xuân Sơn) cho biết: “Sau khi được chính quyền hỗ trợ vốn và giống, gia đình tôi mua 5 con hươu đực về phát triển sản xuất. Năm nay bắt đầu cho thu hoạch nhung”.
Việc mạnh dạn triển khai các mô hình kinh tế dựa trên thế mạnh của vùng đất kết hợp với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương về vốn, kỹ thuật sản xuất đã từng ngày ghi nhận những kết quả đáng mừng. Rừng chè vẫn trải dài tít tắp, điểm xuyết là màu sắc sặc sỡ của các loại hoa, các trang trại chăn nuôi ngày càng mở rộng quy mô là nét đẹp riêng có của vùng miền núi Bắc Sơn hôm nay.
Thành Chung
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn