Đồng Nai vẫn được coi là “thủ phủ” chăn nuôi với tổng đàn heo 1,4 triệu con và gia cầm 13 triệu con. Song, sản lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm cho địa bàn và cung cấp đi một số tỉnh, thành phố khu vực.
Những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần được thay thế bằng quy mô lớn
Chính vì vậy, Đồng Nai đã xác định đi theo hướng phát triển vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật cao để nâng cao năng suất, tăng giá trị gia tăng cho cây trồng, vật nuôi.
Với định hướng này, thời gian qua tỉnh đã hình thành, chuyển đổi nhiều vùng chuyên canh về cây trồng cũng như các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho địa phương, đời sống người nông dân tham gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cũng được nâng lên.
Đặc biệt, với mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, tác hại về môi trường giảm thiểu khá rõ. Một cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh đóng trên địa bàn cho rằng, nguồn vốn rót vào lĩnh vực này đã đến đúng địa chỉ, phát huy được hiệu quả. Nhất là khả năng thu hồi vốn tốt cũng như ít rủi ro hơn đối với cho vay quy mô nhỏ lẻ.
Ông Trần Văn Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho biết, trong một vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ hộ gia đình nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn trung bình khoảng 500 con, thậm chí lên đến 1.000 con heo/trang trại đã được người dân đầu tư theo quy trình công nghệ của Nhật Bản, cho năng suất, hiệu quả cao.
Do đảm bảo được khâu vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nên phần lớn sản phẩm từ mô hình chăn nuôi này đều có các đầu mối thu mua ổn định, nhà máy bao tiêu về sản phẩm. Ngoài ra, ngay từ khâu đầu vào, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng được các đối tác cung ứng ngay từ đầu.
Chính vì những lợi thế này, nhiều hộ ít vốn nhưng vẫn quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia công cho các DN bao tiêu sản phẩm.
Không riêng gì tỉnh Đồng Nai, trong một vài năm trở lại đây, một số tỉnh, thành phố lân cận TP. Hồ Chí Minh như Bình Dương, Bình Phước… cũng đi theo xu hướng trên. Đặc biệt, đây là những địa phương không chỉ có thế mạnh về chăn nuôi mà trồng trọt cũng rất phát triển, nên việc hình thành mô hình trang trại chăn nuôi khép kín còn giúp cho người nông dân gia tăng giá trị rất lớn.
Nhiều DN tư nhân tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, với quy mô trang trại tập trung hàng trăm đến hàng nghìn gia súc, gia cầm, các trang trại có điều kiện tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho các cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu khá hiệu quả.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước, Công ty cao su Bình Phước, Công ty cao su Phước Long, Agribank chi nhánh Bình Phước… đã họp bàn để đi tới thống nhất thí điểm đầu tư xây dựng 10 trang trại nuôi lợn tập trung quy mô lớn, với tổng nguồn vốn dự kiến trên 1.500 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị tham gia cũng thống nhất, sau khi thí điểm thành công sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều công ty khác trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, điều mà các DN cũng như TCTD băn khoăn khi tham gia xây dựng, phát triển mô hình trang trại quy mô khép kín chính là về cơ chế chính sách, bảo hiểm, hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho cây trồng vật nuôi vẫn còn một số điểm vướng mắc.
Đơn cử như, nhiều hộ gia đình, DN tư nhân còn ngại làm trang trại quy mô lớn vì họ bị bắt buộc phải áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường, xử lý nguồn nước thải như đối với sản xuất công nghiệp. Điều này đội chi phí đầu tư và vận hành lớn, tạo áp lực chi phí nhiều khi không cần thiết, bởi nguồn nước và chất thải từ chăn nuôi đều có thể tái sử dụng ngay cho cây trồng.
Hoặc về vấn đề lãi suất cho vay đầu tư chăn nuôi trồng trọt, mặc dù đã được ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nhưng khi triển khai cũng tạo khá nhiều áp lực cho TCTD. Do đặc thù mỗi vùng miền mỗi khác nên khi cấp vốn dàn trải sẽ có sự khập khiễng, rủi ro…
Chính vì vậy, theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương, ngoài việc các bộ, ngành cùng nhau vào cuộc để phát triển các mô hình tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì việc xây dựng những chính sách phù hợp với đặc thù của từng vùng kinh tế cũng là một yếu tố hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đang chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 86%). Trong đó, cho vay đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi là chủ yếu, đặc biệt phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, khép kín đang chiếm ưu thế. |
Nam Phương
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn