Với hệ thống sông, suối, hồ tự nhiên rộng lớn, Đắk Lắk nhanh chóng phát triển được trên 8.300ha mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu nuôi trắm, trôi, mè, chép…, sản lượng đạt hơn 13.000 tấn/năm. Được thiên nhiên ưu đãi, hầu hết các mô hình ương nuôi cá giống từ ao, hồ nhân tạo, đến nuôi trong hồ tự nhiên đều có mạch nước ngầm thông suốt nên môi trường các ao nuôi luôn sạch sẽ. Nhờ đó, việc nuôi cá khá thuận lợi do ít dịch bệnh. Đắk Lắk hiện có 8 cơ sở sản xuất cá giống quy mô lớn, công suất hàng triệu con giống/năm (cả cá bột và cá giống), chưa kể hàng loạt các mô hình ương nuôi nhỏ lẻ khác, tập trung chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Cư M’gar. Mô hình ương cá giống đang thu hút nhiều người dân tham gia, bởi lợi nhuận khá cao và ổn định, thị trường tiêu thụ rộng mở… Đến thăm cơ sở sản xuất cá giống An Trang ở thôn 10, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột), được đánh giá là cơ sở sản xuất cá nước ngọt lớn nhất Đắk Lắk, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Đại, chủ cơ sở cho biết: “Cứ 7kg cá mẹ thì đẻ được khoảng 1 triệu trứng, tỷ lệ nở 90 - 95%. Mỗi năm cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 250 - 300 triệu cá bột và trên 20 tấn cá giống”. Ông Nguyễn Doãn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cho biết, giờ đây, việc sản xuất cá giống trên địa bàn không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Đây cũng là thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh. Từ những tiềm năng và lợi thế trên, Đắk Lắk đã trở thành tỉnh có nghề sản xuất cá giống và nuôi trồng thủy sản nước ngọt phát triển nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phần lớn con giống thủy sản đều được cung cấp cho các tỉnh miền Trung và miền Nam, thương hiệu cá giống Đắk Lắk đang được người dân khắp nơi biết đến. Theo tìm hiểu chúng tôi, điều kiện của Đắk Lắk phù hợp với sản xuất cá bột hơn bởi thời gian từ khi cá mẹ đẻ trứng đến lúc xuất bán cá bột chỉ từ 3 - 5 ngày; để nuôi thành cá giống phải mất thêm 1,5 tháng, vì vậy, việc sản xuất cá bột nhẹ nhàng hơn so với ương nuôi cá giống, lợi nhuận thu về khá cao. Ước tính, mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất khoảng 1 tỷ con cá bột và trên 50 tấn cá giống các loại. Với giá bán từ 3-5 triệu đồng/triệu con cá bột và 50.000 - 60.000 đồng/kg cá giống như hiện nay thì lợi nhuận của các mô hình nuôi cá giống khá cao. Anh Lê Văn Thành, chủ cơ sở ương nuôi cá giống tại tỉnh Tiền Giang cho hay, anh thường mua cá bột ở Đắk Lắk về ương nuôi thành cá giống để bán cho bà con. Sở dĩ anh hay mua cá bột giống ở Đắk Lắk bởi luôn cảm thấy yên tâm về chất lượng, con giống khỏe mạnh, ít phát sinh mầm bệnh, vì vậy ngay cả trong quá trình vận chuyển cũng ít bị hao hụt. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc nuôi cá giống tại tỉnh phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, do vậy ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích bà con phát triển nghề ương nuôi cá giống trong khuôn khổ quản lý và đủ điều kiện, đồng thời phát triển thương hiệu cá giống Đắk Lắk một cách bền vững. Bá Thăng
| ||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn