Bước đầu các trang trại đã phát huy được hiệu quả, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Các mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghiệp, trang trại tổng hợp như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm được khẳng định có thu nhập ổn định và tính bền vững cao, phù hợp với sức lao động, tiền vốn của nhân dân, cho thu nhập 200-300 triệu đồng/trang trại/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế trang trại (KTTT) phát triển đã khơi dậy tiềm năng về lao động, đất đai, vốn, kỹ thuật ở từng địa phương, trong mỗi hộ nông dân để tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa dồi dào, đa dạng, hiệu quả kinh tế cao. Nhận thức được điều này, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo sát sao, cùng với sự cố gắng của các chủ trang trại, đã đưa KTTT phát triển.
Mô hình KTTT tổng hợp của cựu chiến binh Lã Trọng Tới, thôn Bạch Trưng, xã Nga Bạch, là một trong hàng chục mô hình tiêu biểu trong phát triển KTTT của huyện Nga Sơn. Mô hình của gia đình anh Tới cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Anh Tới cho biết, trang trại của gia đình anh được xây dựng từ năm 1994 trên 2,3 ha đất hoang hóa của xã, anh quy hoạch 4 ao thả cá trắm, trôi; xung quanh bờ ao, anh trồng gần 1.000 cây bạch đàn; cấy lúa và hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại, nuôi lợn giống hậu bị bố mẹ cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Hàng năm, trang trại của gia đình anh Tới cho tổng thu nhập 500 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 250 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương, với mức tiền công từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Sự phát triển của KTTT đã dần khẳng định vị trí rõ nét trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giải quyết được những vấn đề mà kinh tế hộ gia đình trước đây khó có thể làm được. Đó là, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa lớn; tạo sự liên kết hợp tác dịch vụ sản xuất cũng như thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm...
Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, những năm qua, ngoài cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Xây dựng các kế hoạch, đề án, có cơ chế chính sách dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi ruộng trồng lúa, trồng cói không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ làm đường giao thông vào trang trại; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ mua cây, con giống, vật tư; hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, nhằm “kích cầu” phát triển KTTT, huyện Nga Sơn đã thực hiện chính sách hỗ trợ 300 triệu đồng/trang trại lợn có quy mô 500-800 lợn thịt, 200 triệu đồng/trang trại gà có quy mô 5.000-8.000 con. Nhờ vậy, bên cạnh các mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã có, các xã như: Nga Thanh, Nga Văn, Nga Tiến đã phát triển thêm mô hình nuôi gà quy mô 8.000-10.000 con/lứa; các xã Nga Bạch, Nga Thành, Nga An, Nga Văn có mô hình chăn nuôi lợn tập trung 100 nái ngoại và 750 lợn thịt; các xã như: Nga Hưng, Nga Thiện, Nga Yên, Nga Trung... cũng có các mô hình chăn nuôi từ 50 nái ngoại và hàng trăm lợn thịt trở lên.
Tuy nhiên, việc phát triển KTTT của huyện Nga Sơn vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Phần lớn các trang trại đều thiếu vốn để đầu tư sản xuất nên quy mô còn nhỏ. Vấn đề đầu tư hạ tầng, con giống sạch bệnh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Phần lớn các trang trại, gia trại sản phẩm làm ra vẫn phụ thuộc thị trường, chưa xây dựng được thương hiệu, nên sản xuất chưa mang tính bền vững; sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, môi trường sinh thái, nhiều rủi ro trong khi trình độ sản xuất và quản lý sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại còn hạn chế. Do vậy, rất cần những định hướng cho các chủ trang trại phát triển cây trồng, con giống có giá trị cao mang tính ổn định lâu dài và phù hợp với điều kiện từng vùng. Đặc biệt là ưu đãi vốn vay cho các hộ kinh doanh sản xuất; mở rộng hợp tác, trao đổi giữa các vùng trong và ngoài tỉnh để tìm thị trường và đầu ra cho sản phẩm...
.Bài và ảnh: Phan Nga