8 chính sách căn bản
Tại hội thảo: “Khoa học - thực tiễn xây dựng chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và kinh tế vườn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn 2030”, GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đã đề xuất 8 chính sách căn bản mà Bắc Ninh cần quan tâm để thúc đấy kinh tế vườn, kinh tế trang trại phát triển, gồm: chính sách đất đai; chính sách hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, dịch vụ công; chính sách tín dụng; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực; tư vấn pháp lý, khuyến khích phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ trang trại theo từng lĩnh vực sản xuất và nghĩa vụ của chủ trang trại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Một góc trang trại của gia đình chị Phùng Thị Hải, Thị trấn Thứa (Lương Tài-Bắc Ninh). Ảnh: Ngọc Quyết.
Theo đó, về chính sách đất đai: Nhà nước giao đất, cho thuê đất lâu dài để nông dân yên tâm sản xuất, cho phép tập trung và tích tụ ruộng đất. Cho phép cho thuê đất và được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài với các hộ nông dân; mở rộng hạn điền trên 7ha để nông dân có điều kiện mở rộng quy mô, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về chính sách thuế: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trang trại, nhất là 5 năm đầu, khi sản xuất kinh doanh đã ổn định, có giá trị hàng hóa và lãi lớn thì giảm thấp nhất mức thuế suất nhằm khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Trang trại phát triển sản xuất kinh doanh được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho nông dân và nhất thiết phải được vay (chứ không phải nói mà không làm), chủ trang trại được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay. Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế trang trại sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.
Về chính sách lao động: Chủ trang trại được thuê không hạn chế về số lượng, trả công lao động trên cơ sở thỏa thuận tới người lao động. Chủ trang trại phải trang bị đồ bảo hộ lao động tùy theo loại nghề và có trách nhiệm với những người lao động gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau trong thời gian làm việc theo hợp đồng.
Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động làm trang trại bằng nhiều hình thức, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng địa phương có quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, công trình thủy lợi tạo nguồn nước cho phát triển sản xuất, các trang trại xây dựng các công trình thủy lợi sử dụng nước mặt, nước ngầm, trong phạm vi trang trại không phải nộp thuế tài nguyên nước. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng địa phương quy hoạch đầu tư phát triển các vườn ươm cây giống nông, lâm nghiệp và các cơ sở sản xuất cây con giống hoặc hỗ trợ một số trang trại có điều kiện sản xuất giống để bảo đảm đủ giống tốt cung cấp cho thị trường.
Về chính sách thị trường: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, khuyến cáo các nhà khoa học giúp trang trại định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Nhà nước hỗ trợ điều kiện đầu tư nâng cấp mở rộng các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, hướng dẫn việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích phát triển chợ nông dân và trung tâm giao dịch mua bán những sản phẩm tạo cho các trang trại được tiếp cận tham gia các chương trình, dự án, hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, khuyến khích các trang trại xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình và thu gom của các trang trại khác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Nhưng vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia nhà nước cần thu hồi thì trang trại được thanh toán hoặc bồi thường theo giá trị thị trường tại thời điểm quyết định thu hồi.
Đối với mô hình trang trại quy mô nhỏ, tỉnh cần dành một phần ngân sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các lĩnh vực kinh tế đang khó khăn để tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn.
Cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ
Về xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và kinh tế vườn, ông Đặng Đình Toan, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Cả hai đang trở thành xu thế thể hiện sự chuyển hướng tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp lạc hậu sang kinh tế công nghiệp dịch vụ áp dụng tiến bộ kỹ thuật.
Từ thực tế trên, Ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngoài các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 128/2014/NQ-HĐND17 ngày 24/4/2014 của HĐND tỉnh thì cần quy định thêm một số quy định như: Hỗ trợ về hạ tầng điện, trục đường giao thông để tiện đưa máy móc thiết bị vào chăn nuôi, nhất là chăn nuôi thủy sản ở vùng tập trung với đơn giá đầu tư theo quy định của nhà nước; hỗ trợ kinh phí cho việc chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm chăn nuôi và thủy sản; hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các chủ trang trại, gia trại vay để đầu tư mở rộng sản xuất, mua trang thiết bị, máy móc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ cho các khoản vay từ 50- 500 triệu đồng, hoặc hỗ trợ 30% giá trị cho các khoản đầu tư trên nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/ha hoặc 10 tấn thủy sản. Đối với chăn nuôi gia cầm sinh sản số lượng từ 5.000 con trở lên, gia cầm lấy thịt số lượng 10.000 con trở lên, gia súc sinh sản số lượng trên 500 con, gia súc lấy thịt số lượng trên 3.000 con.
Đại diện Sở Tài chính Bắc Ninh đề xuất, đối với kinh tế trang trại, các quy định tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và Quyết định số 318/2014/QĐ-UBND ngày 08/7/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn đã bao quát hết các nội dung trong hoạt động trang trại nên có thể rà soát, tách các nội dung liên quan để quy định riêng.
Hiện nay, Bắc Ninh chưa có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vườn, tuy nhiên, các vườn của tỉnh thường có diện tích nhỏ, không có các loại cây trồng nổi tiếng. Do vậy, xây dựng chính sách khuyến khích kinh tế vườn nên hướng tới phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và tập trung một số nội dung sau: Hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các chủ vườn có quy mô diện tích từ 0,5ha trở lên mua giống cây ăn quả chuyên canh; hỗ trợ chi phí làm thủ tục sau khi được cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Để thực hiện chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất cho phát triển kinh tế trang trại và kinh tế vườn, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đề xuất một số vấn đề sau:
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến bộ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất trang trại cho các hộ, cá nhân có đủ tiêu chí theo quy định; có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các trang trại áp dụng công nghệ mới.
Các cấp, ngành cần thực hiện công tác quy hoạch các vùng, tiểu vùng chuyên canh, thâm canh nông nghiệp, tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về giống, về tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa làm ra. Nghiên cứu phát triển mô hình kinh doanh tiên tiến, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để cung ứng vốn, xây dựng chuồng trại, chế biến, tiêu thụ tạo ra các chuỗi cung ứng và liên kết sản phẩm tiêu thụ trọn gói tạo cơ sở cho hoạt động tín dụng bền vững.
Cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân, cấp bù lỗ và bảo hiểm lãi suất cho vay đối với tín dụng nông nghiệp cho một số sản phẩm địa bàn lựa chọn.
Ngoài ra, các ý kiến đều cho rằng, UBND tỉnh Bắc Ninh cần quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp nói chung và khu vực chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư nói riêng, phù hợp quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tốc độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại để họ yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất, đảm bảo việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp vay vốn trong các hợp đồng vay vốn; tỉnh nên nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tổ chức sản xuất phát triển kinh tế trang trại; Nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí mua sắm công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường đối với các chủ trang trại và người lao động làm việc thường xuyên trong trang trại.
Hội Làm vườn tỉnh Bắc Ninh đề nghị tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho các trang trại, nhà vườn đầu tư trang thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 100% kinh phí cho chứng nhận VIETGAP và kinh phí mua giống cây, con mới chất lượng cao để đưa vào sản xuất. |
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn