Một thời vất vả
Năm 2001, vợ chồng chàng trai Chu Quang Phúc (sinh năm 1978) bồng bế con dắt díu nhau rời quê hương xã Tân Hoà, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) lên vùng đất Chợ Đồn sinh sống. Lên vùng quê mới, không có ruộng đất, ít vốn nên Phúc mua cá mắm, muối ở chợ huyện rồi vận chuyển đến các chợ phiên vùng cao trong vùng bán lấy công làm lãi. Nhiều lần chở muối qua suối, bao muối rơi xuống nước. Đi bán gặp trời mưa làm muối tan hết, cá mắm bị ướt.
Vất vả mà lời lãi không bao nhiêu, Phúc chuyển sang buôn lợn con từ dưới xuôi, dưới quê lên đi khắp thôn cùng ngõ hẻm trong huyện rao bán. Phúc tâm sự: “Chỗ nào ở đất Chợ Đồn này em cũng đã từng đặt chân đến, nhân dân trong vùng ai cũng biết, đặt cho biệt danh “Phúc lợn”.
Sau mấy năm vất vả, hỏng hai xe máy mà thấy mình vẫn không có gì, vài lần mua phải lợn con mắc bệnh, lợn chết, phải đền. Phúc nhận ra, làm nghề buôn ngoài rủi may, lắm khi còn mang tội với đồng bào khi mua phải lợn bệnh về làm giống.
Phúc bàn với vợ vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2,6 ha đất đồi núi hoang vu ở bản Nà Cọ, xã Đồng Viên làm kinh tế. Mua được đất, Phúc lại đưa vợ con, gia đình vượt sông Cầu vào dựng lều tạm ở, đào đất đắp khe núi thành ao thả cá, làm chuồng nuôi lợn, gà, trồng rừng. Làm trang trại, ban đầu bỡ ngỡ, ai mách ở đâu có mô hình hay Phúc cũng lặn lội tìm đến, không ít lần vào tận Thanh Hoá, Nghệ An học tập kinh nghiệm. Lại chịu khó tìm đọc sách, báo hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, ở sâu ở xa cách biệt, vật nuôi của Phúc không bị dịch bệnh, lớn nhanh.
Tích cóp tiền bán cá, lợn, gà, Phúc đầu tư nuôi lợn rừng và dúi. Vào tận Nghệ An mua ba con lợn rừng giống giá gần 90 triệu đồng, không có kinh nghiệm, Phúc mua phải một con lợn nhà. Sau nhiều năm kiên trì với nuôi lợn rừng, đến nay Phúc đã có hơn 20 con lợn rừng bố, mẹ, mỗi năm sinh sản vài trăm lợn con. Lợn rừng Phúc nuôi, tai đeo số để kiểm lâm theo dõi, khi lợn sinh sản, xuất bán phải báo cáo. Lợn rừng sống hoang dã, thức ăn chủ yếu từ tự nhiên, như măng rừng, cây chuối, bèo nên là thực phẩm sạch, có đầu mối tiêu thụ ổn định ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, giáp Tết vừa qua lợn rừng Phúc bán với giá 340 nghìn đồng/ kg hơi.
Cùng với nuôi lợn rừng, Phúc dùng gạch xây những ô nhỏ nuôi dúi, cũng là một loài động vật hoang dã. Từ một vài cặp, nay đã phát triển lên hơn 200 cặp. Thức ăn của dúi không phải đầu tư tốn kém, nhưng để nuôi được phải chịu khó, tỷ mỷ, biết tập tính của chúng. Chẳng hạn, dúi quen sống trong hang hốc, thuần hoá nuôi trong những ô nhỏ thì phải đậy nắp để giữ bóng tối, khi dúi đẻ con chưa mọc lông non, ai không biết mở nắp, có ánh sáng là dúi mẹ ăn con vừa đẻ liền. Có tài sản thế chấp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho Phúc vay 100 triệu đồng, hết hạn cho vay 400 triệu đồng. Cộng với tiền bán cá, lợn, gà, Phúc dùng để đầu tư mở rộng trang trại, tăng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất trống, đồi trọc trồng rừng với diện tích hơn 20 ha, mua lưới B40 quây chung quanh trang trại, mở đường giao thông ra tỉnh lộ 257 để đi lại dễ dàng.
Ông chủ sống lều tranh
Ông chủ Chu Quang Phúc.
Năm 2012, thu nhập từ bán lợn rừng, dúi, cá, gà mang lại cho Phúc hai tỷ đồng, là một trong vài trang trại ở tỉnh Bắc Cạn có thu nhập lớn nhất. Điều ít ai ngờ, sau hơn mười năm vào rừng khai phá làm trang trại, có thu nhập khá dần, nhưng vợ chồng Phúc vẫn ở trong túp lều chỉ rộng chừng 20 mét vuông, chung quanh bưng ván, mái lợp lá, toàn bộ tiền thu được đều mang đầu tư cho trang trại, trả công cho hơn 20 người làm. Mãi đến năm 2012, Phúc chặt gỗ rừng do mình trồng mang ngâm, thuê thợ làm căn nhà gỗ để vợ con ở cho đỡ khổ.
Từ tỉnh lộ 257 vào trang trại dài hơn một km, ban đầu chỉ là đường mòn, sau đó chủ nhân thuê máy xúc nhỏ mở rộng hơn cho xe cải tiến đi được, có vốn nhiều hơn lại thuê máy xúc lớn mở rộng cho ô tô ra vào thuận tiện. Phúc dự tính đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng san gạt con đường. Bà con địa phương cũng được hưởng lợi từ con đường, gỗ rừng trồng có đường vận chuyển, phong trào trồng rừng ở khu vực này phát triển mạnh.
Bố, mẹ ở quê, nhưng Tết Quý Tỵ vừa qua, Phúc cũng không về thăm được, vì hơn 20 người làm về ăn Tết hết, vợ chồng phải ở nhà để cho lợn ăn, chăm sóc dúi, tiêm phòng cho gà đồi. Phúc dự định sẽ tiếp tục mở rộng trang trại lớn hơn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Cạn Trần Xuân Lễ đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay của Phúc, thấy trang trại rộng lớn xanh mướt bởi rừng keo, mỡ sắp cho được thu hoạch, dưới tán rừng là những dãy chuồng nuôi lợn rừng hoang dã, ao cá, khu nuôi dúi, nuôi gà mà khâm phục ý chí vượt khó, kham khổ của Phúc. Chủ trang trại đã đổ biết bao công sức và đầu tư khoảng ba tỷ đồng biến một vùng đất heo hút xa ngái thành một trang trại trù phú. Thấy sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, trang trại phát triển bền vững, giải quyết nhiều việc làm, khâm phục ý chí làm giàu của Phúc, ông Lễ chỉ đạo bộ phận chức năng của ngân hàng đầu tư cho Phúc vay thêm, thời gian vay kéo dài hơn, hết hạn lại đầu tư quay vòng.
Phúc cho biết: “Từ đồng vốn ưu đãi, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Cạn thực sự là “bà đỡ” cho trang trại của mình phát triển”.
Bí thư Đảng uỷ xã Đông Viên Phan Văn Hiên khen: “Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Phúc là chủ trang trại dám nghĩ dám làm và làm hiệu quả. Là tấm gương sáng ở địa phương. Ai đến học hỏi Phúc cũng tận tình chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, quý trọng người làm như những người thân của mình”.
Theo nhandan.org.vn