Ông Minh cho biết: “Trước đây độc canh lúa, thu nhập thấp, bấp bênh, cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tôi tiến hành cải tạo đất, vừa nuôi tôm, trồng lúa cùng các loại hoa màu như: hành, dưa leo, cải…”. Trong tay có 15 công đất, ông tiến hành cải tạo 5 công đất sau nhà để trồng hoa màu; phần còn lại ông xen kẽ lúa - tôm. Những năm đầu do thiếu kinh nghiệm, đất còn nhiễm phèn, mặn nên năng suất không cao. Không chấp nhận thất bại, ông tìm tòi, học tập kinh nghiệm nhiều nơi, trên sách, báo và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật học được vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều năm liền gia đình ông có thu nhập khá, ổn định từ mô hình đa canh.
Ông Trần Văn Minh bên vườn hoa màu xanh tốt. |
Ông Minh khẳng định: “Muốn làm giàu phải đa canh. Trồng hoa màu không khó, đồng vốn thu về nhanh. Ðiều quan trọng là phải siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, quan sát nắm bắt được tình hình phát triển, bệnh dịch của cây trồng để có biện pháp xử lý”.
Cũng theo ông Minh, sản xuất theo hướng đa dạng hoá cây trồng góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc. Ðồng thời, ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường. Từ kinh nghiệm đó, với 15 công đất trong tay, ông liên tục “bắt đất xoay vòng”: lúa, tôm, hoa màu. Mỗi năm, gia đình ông Trần Văn Minh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện chăm lo cho con ăn học, tạo dựng gia đình; xây cất được nhà cửa khang trang.
Người dân ấp Tapasa 2 mến phục ông Minh không chỉ ở tài làm kinh tế giỏi mà còn bởi sự nhiệt tình, thân thiện với bà con. Bất cứ lúc nào, ở đâu, nếu có người hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, ông luôn sẵn sàng chia sẻ một cách tận tình, chu đáo. Bởi vậy, mô hình sản xuất đa canh của gia đình ông luôn được nhiều người trong vùng tham quan, học tập. Trong số đó có nhiều người đã triển khai thành công tại gia đình./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn