Điều đặc biệt nhất là họ đều khởi nghiệp từ lưng vốn ít ỏi nhưng đã trở thành những triệu phú, tỉ phú từ nghề nông. Anh Đặng Ngọc Nghĩa (35 tuổi) ở huyện Chư Pah là một trong số đó. Khởi nghiệp với lưng vốn là hơn 3 sào đất từ gần mười năm trước, đến nay anh là chủ trang trại với thu nhập bình quân hơn 2 tỉ đồng. Nghĩa nói rằng, quyết định đến với nghề nông khá liều lĩnh vì mình chưa có kinh nghiệm dằn lưng về cái nghề được xem là khá bấp bênh này.
|
Khởi đầu khó khăn là vậy nhưng Nghĩa đã có những kết quả vượt bậc, anh kể: “Từ số đất ít ỏi ban đầu, mình đầu tư trồng cà phê. Tiền lãi từ cà phê mình không dám tiêu mà tiếp tục mua đất. Đến năm 2011 mình đã có 5 ha cà phê, với sản lượng đều đều 40 tấn cà phê nhân xô/năm. Từ tiền bán cà phê, mình vay thêm đầu tư trang trại rộng trên 1.000 m2 nuôi heo nái và heo thịt. Lượng heo thịt của mình xuất chuồng ổn định trong khoảng 1.000 con/năm. Rồi đàn heo nái cũng sinh sản tốt, mỗi năm mình có gần 1.000 heo con. Giải pháp này tỏ ra hữu hiệu vì vừa có tiền bán heo lại tiết kiệm được mỗi năm chừng 100 triệu đồng tiền phân bón. Nhớ hồi mới làm, vợ chồng mình không có tiền thuê nhân công, cứ quần quật với vườn cà phê, đàn heo từ sáng đến khuya”.
Hiện nhiều thanh niên, trong đó có người bản địa, cũng đến trang trại của Nghĩa để học hỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Được biết, trong số trên dưới 30 người làm công cho Nghĩa cả thường xuyên lẫn thời vụ, đã có một số thanh niên vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nghe Nghĩa kể là vậy, nhưng để có trái ngọt hôm nay, không thể kể hết những gian khó trần ai mà vợ chồng họ phải vượt qua.
|
Hai triệu phú người bản địa
Triệu phú chân đất Siu Bình ở xã Ia Boòng, H.Chư Prông (tuổi 22) nhưng đã có một cơ nghiệp đáng kể với thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm.
Con đường thành công của triệu phú chân đất này là cả một sự học hỏi không ngừng. Mới chỉ học đến lớp 9 thì chuyện học hành dang dở. Gia cảnh khó khăn. Siu Bình phải đi làm công nhật đỡ đần cha mẹ. Nhưng chính nỗ lực, ý chí thoát nghèo đã giúp Bình thành công, bởi làng Iắt nơi Bình ở có 68 hộ thì người Jrai đã chiếm tới 90%, cuộc sống còn nhiều khó khăn. “Mình đã mạnh dạn xin bố mẹ bỏ đi những loại cây không phù hợp trong vườn, vay tiền ngân hàng mua thêm đất đai. Đến nay mình đã có 1,5 ha cà phê, 3 ha cao su và 0,5 ha lúa nước với tổng thu nhập gần 300 triệu đồng/năm”, Bình cho biết.
Hay Rơlan Nhin (28 tuổi) ở huyện biên giới Đức Cơ cũng là một điển hình của những triệu phú chân đất lập nghiệp từ lưng vốn ít ỏi. Từ năm 2006, Nhin cùng với gia đình đã mạnh dạn đăng ký trồng cao su tiểu điền bằng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và vay hơn 30 triệu đồng phát triển kinh tế hộ gia đình. Lợi thế của anh là có trình độ trung cấp nông lâm nên đã nhanh chóng áp dụng những gì học hỏi được trên đất đai của gia đình. Và những nỗ lực của Nhin đã được tưởng thưởng. 4 ha cao su, 1,5 ha cà phê cộng với chăn nuôi heo, bò đã cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, Siu Bình và Nhin cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người bản địa nơi họ sinh sống. Quan trọng hơn, thành công, kinh nghiệm của họ đã giúp đỡ nhiều thanh niên bản địa khác biết cách làm ăn, góp phần thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương.
Trần Hiếu
Theo thanhnien.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn