Bám đất nghèo
Thực sinh ra ở vùng quê thuần nông nghèo khó, cuộc sống của người dân chỉ biết trông chờ vào 2 vụ lúa. Do khó khăn nên nhiều người trong làng đã chọn cách đi làm ăn xa để kiếm tiền. Thấy đất đai bỏ hoang nhiều, Thực quyết tâm đánh thức tiềm năng của đồng đất quê mình. Nghĩ là làm, năm 2009, Thực nhận khoán 13ha diện tích đất hoang, trong đó có 40.000m2 diện tích mặt nước. Sau khi cải tạo, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư để nuôi cá, diện tích còn lại anh trồng lúa, kết hợp chăn nuôi vịt, lợn… Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên công việc chăn nuôi không thuận lợi, số cá thả đợt đầu bị dịch chết nổi trắng sông, lợn, vịt bán không được giá. “Nhìn cá chết trắng sông mà vợ tôi khóc hết nước mắt, còn tôi chẳng biết làm gì để cứu vãn tình hình”, Thực tâm sự.
Thành công ngoài mong đợi
Rút kinh nghiệm từ thất bại, năm tiếp theo, Thực đầu tư khoa học, bài bản hơn. Theo đó, anh tiến hành nạo vét lòng sông, tính toán thời gian thả cá giống cho phù hợp nên tránh được dịch. Cá được nuôi theo phương pháp tự nhiên, không cho ăn thức ăn công nghiệp nên chi phí không đáng kể. Một năm anh thả cá giống và đánh bắt một lần nên chất lượng đảm bảo, hơn nữa lại bán vào dịp giáp Tết nên giá khá cao. Tính ra, mỗi năm anh thu được 7-8 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí, lãi 170 triệu đồng. “Năm nào thương lái cũng vào tận nơi mua cá, vì thu hoạch gần Tết nên lượng cá tiêu thụ nhanh, hơn nữa là cá nuôi tự nhiên nên được mọi người ưa chuộng. Đánh bắt đến đâu thương lái mua hết đến đó”, Thực hồ hởi chia sẻ.
Ngoài nuôi cá, Thực còn kết hợp nuôi 2000 con vịt thịt, đồng thời xây dựng chuồng trại nuôi lợn với gần 100 con/năm.
Không chỉ đầu tư nuôi cá, vịt, lợn, Thực còn cấy 1 vụ lúa trên diện tích đất ruộng với sản lượng 20 tấn/năm, thu 120 triệu đồng. Do chỉ trồng 1 vụ lúa, vụ còn lại vào mùa nước dâng cao, Thực trồng sen trên cả mặt sông và mặt ruộng. Vào tháng 8 âm lịch hàng năm, Thực tiến hành thu hoạch hạt sen, thu lãi 20-30 triệu đồng.
Sau 4 năm làm mô hình VAC quy mô trang trại, đến nay, gia đình Thực đã có cuộc sống khá giả, có tiền mua sắm tiện nghi, vật dụng gia đình và nuôi con cái học hành thành đạt. Mô hình kinh tế VAC của Thực tuy không mới nhưng là điển hình cho ý chí vươn lên thoát nghèo, trở thành một điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo, là động lực cho bà con bám đất bám làng để tiếp tục phát triển kinh tế.
Mai Hằng
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn