Với mục tiêu, toàn thành phố đã gieo trồng trên 64.000ha diện tích, giá trị đạt trên 2.500 tỷ đồng trong vụ Đông. Sở NN&PTNT Hà Nội cùng các huyện, thị xã đã đề xuất triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân.
Tăng cường giống ngắn ngày
Vụ Đông năm nay, huyện Chương Mỹ có kế hoạch trồng 4.000ha, tập trung vào cây trồng chủ lực là đậu tương với 50% diện tích. Ngoài ra còn một số cây trồng khác là ngô 500ha, khoai lang 500ha, khoai tây 300ha, rau 600ha... Để nâng cao hiệu quả sản xuất, UBND huyện đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó triển khai vụ Đông gắn với việc tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn quy hoạch vùng cụ thể cho từng loại cây trồng, đồng thời chủ động về nguồn giống tại chỗ, nhất là giống đậu tương, khoai tây, ưu tiên các giống cây ngắn ngày.
Tại huyện Phúc Thọ, trong kế hoạch gieo trồng 4.000ha, cây đậu tương chiếm diện tích lớn với 2.200ha. Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt vụ Đông, từ chuẩn bị nguồn giống, vật tư đến tập huấn kỹ thuật. Hiện nay, nguồn giống đậu tương trên địa bàn huyện cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, nguồn giống ngô lai, rau, khoai lang cũng được lựa chọn kỹ lưỡng. Thời vụ gieo trồng đậu tương kết thúc trước ngày 10/10, các cây trồng khác kết thúc trước 2/10.
Trồng cây vụ Đông tại xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thiên Tú
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, trong vụ Đông 2012, diện tích gieo trồng của các huyện, thị xã đăng ký đạt 64.170ha, trong đó đậu tương 30.500ha, ngô 11.500ha, lạc 1.300ha, khoai lang 4.200ha, khoai tây 1.600ha, rau đậu các loại 13.000ha… Để đảm bảo thời vụ, nâng cao hiệu quả vụ Đông, Sở NN&PTNT đã xây dựng cơ cấu chủ lực là các giống cây ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt. Cụ thể, gieo trồng các giống ngô lai F1 có năng suất cao, ngắn ngày, thời gian sinh trưởng 95 - 115 ngày như VN8960, LVN61, LVN99…; với khoai lang, chủ yếu là các giống Đồng Thái, Hoàng Long, VX-37 có thời gian sinh trưởng 80 - 100 ngày...
Hỗ trợ để mở rộng diện tích
Để đẩy mạnh sản xuất vụ Đông, hiện các địa phương đã lên phương án hỗ trợ cho người nông dân. Đơn cử như huyện Mỹ Đức dự kiến hỗ trợ cho 3 cây trồng chủ lực là bí xanh, khoai tây và ngô, trong đó riêng cây khoai tây hỗ trợ 50% giống. Huyện Quốc Oai cũng có chính sách hỗ trợ 30.000 đồng/sào ngô và đậu tương, huyện Thường Tín hỗ trợ 50% giống đậu tương, 100% giống ngô...
Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó khăn về nguồn giống cây trồng vụ Đông. Ông Trần Gia Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, do diện tích gieo trồng vụ Đông 2011 và vụ Hè Thu năm nay đều hạn chế nên nguồn giống cho vụ Đông ít. Để đảm bảo nguồn giống gieo trồng 60% diện tích trong vụ Đông, tương đương với 6.500ha sẽ là khó khăn không nhỏ. Do đó, cùng với chính sách hỗ trợ của địa phương, đại diện nhiều huyện, thị xã cũng đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ về nguồn giống để kích thích mở rộng diện tích vụ Đông.
Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương chủ động điều tiết nước, rút nước đệm phù hợp để sau khi thu hoạch lúa Mùa trồng ngay cây vụ Đông. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân khẳng định, Sở sẽ đề xuất thành phố hỗ trợ cho một số giống cây như đậu tương, khoai tây, khoai lang và một phần diện tích rau, hoa để mở rộng diện tích. Về nguồn giống, Sở đã giao cho Trung tâm Giống cây trồng, Phòng Trồng trọt tổng hợp đầy đủ nhu cầu giống rau, khoai tây để xử lý và cung cấp cho các huyện, thị xã. Ông Vân cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp thâm canh và coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.
Sản xuất vụ Đông không chỉ giải quyết việc làm mà còn giúp người nông dân có thu nhập trong dịp Tết. Chính vì thế, các địa phương cần xây dựng cơ chế hỗ trợ giống, thủy lợi, đặc biệt có cơ chế khen thưởng mạnh mẽ, nâng cao vai trò của các cá nhân, đoàn thể trong sản xuất vụ Đông. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt |
Thiên Tú
Nguồn: ktdt.com.vn