Thu tiền triệu không khó
Anh Đào Tiến Luận (thôn Đại Hội, xã Phước An, huyện Tuy Phước) có thâm niên hơn 15 năm nuôi bò, cho biết: “Trước đây, tôi nuôi bò theo hình thức thả rông trên núi, thời gian nuôi khá lâu, một con bê từ khi sinh ra phải mất ít nhất 1 năm nuôi mới xuất bán được mà hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2007 đến nay, tôi quyết định chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Mỗi lứa tôi nuôi 2-3 con, chỉ sau từ 2-3 tháng nuôi vỗ béo, có lãi từ 3-3,5 triệu đồng/con”.
Nuôi bò vỗ béo tại một hộ gia đình ở xã Phước An (Tuy Phước). |
Ông Hồ Minh Thương - người chuyên chăn nuôi bò vỗ béo ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, cho biết thêm: “Nguồn thức ăn để vỗ béo bò khá phong phú. Ngoài rơm, rạ sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp với một số thức ăn hỗn hợp là có thể nuôi bò vỗ béo hiệu quả. Gia đình tôi, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, tôi tận dụng nguồn rơm, rạ để dự trữ làm thức ăn cho bò. Hèm rượu kết hợp với bột mì, cám, bột bắp làm thức ăn tinh nên chi phí giảm đáng kể. Mỗi năm, từ việc nuôi bò vỗ béo đã mang lại nguồn thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng cho gia đình".
Tại huyện Tuy Phước, ngành NNPTNT huyện thực hiện thí điểm mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Phước An. Ban đầu chỉ có 15 hộ tham gia, sau gần 1 năm triển khai, đến nay, toàn xã có 60 hộ nuôi bò vỗ béo, với gần 200 con, tập trung chủ yếu ở thôn Đại Hội và An Sơn. Ông Hồ Trung Sơn- Chủ tịch UBND xã Phước An, cho biết: “Đây là mô hình phù hợp với địa phương, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các thôn trong xã”.
Đầu tư mở rộng nghề
Không chỉ phát triển mạnh ở Phước An, nghề nuôi bò vỗ béo đang trở nên thân thuộc với người chăn nuôi trên địa bàn xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Ông Dương Văn Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Toàn xã có 800 hộ nuôi bò vỗ béo với tổng đàn bò gần 1.400 con, tập trung chủ yếu tại thôn Cù Lâm, Trường Cửu, An Thành… Chúng tôi đang triển khai dự án hỗ trợ lãi suất vốn vay cho bà con chăn nuôi phát triển nghề nuôi bò vỗ béo, với lãi suất vay ưu đãi 0,6%/tháng, thời gian vay 4 tháng. Bên cạnh đó, Dự án Sinh kế nông thôn của tỉnh cũng đang được triển khai hỗ trợ ND phát triển chăn nuôi vỗ béo bò”.
Tại Phù Mỹ, năm 2011, ngành nông nghiệp huyện triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo tại 2 xã Mỹ Chánh Tây và xã Mỹ Tài với số lượng đàn 4 con/xã. Năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai mô hình bò vỗ béo tại xã Mỹ Trinh với 4 hộ tham gia, tổng đàn 6 con.
Thông qua mô hình này, Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho ND từ khâu chọn bò đến chăm sóc, vỗ béo, tiêm phòng... Hiện mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển ở 19 xã, thị trấn, với tổng đàn ước đạt trên 1.200 con. Riêng thôn Trung Thành 2 (xã Mỹ Quang) có gần 40 hộ tham gia, với gần 200 con.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình nuôi bò vỗ béo, ông Phan Trọng Hổ-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết: Với thế mạnh là tỉnh có tỷ lệ đàn bò lai khá lớn cùng với ND có kinh nghiệm trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân mở rộng nuôi bò vỗ béo; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn nuôi bò vỗ béo, để người chăn nuôi học hỏi, nhân rộng. Nghề chăn nuôi bò vỗ béo được xem là nghề có thu nhập khá cao, thời gian thu hồi vốn nhanh nên được nông dân hưởng ứng.
Nguyễn Quý
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn