Bắt đầu kể về cuộc mưu sinh của mình trên đất Sơn La hơn 20 năm trước, anh Trần Bá Khánh kể: “Năm 1991, sau khi học hết cấp 2, em từ quê hương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lên Sơn La thăm gia đình anh trai đang sống ở xã Hát Lót (Mai Sơn) này. Thấy cuộc sống của anh chị quá khó khăn, em ở lại giúp đỡ anh chị ấy một thời gian. Ngày ấy công việc hàng ngày của em là chăm sóc các cháu của anh chị, thái chuối, kiếm rau rừng nuôi lợn, gà…”.
Lần lữa tháng ngày, thấy mến đất Sơn La, nghĩ lại cảnh nhà mình ở quê cũng nghèo, chẳng thể theo học hết phổ thông mà anh chị mình thì lại rất cần người giúp việc, thế là Khánh bỏ học và ở hẳn lại Sơn La với gia đình anh chị. “3 năm sau, các cháu đã lớn hơn, em được anh chị bố trí cho mảnh đất ở riêng. Thế là thành nông dân từ đấy với vẻn vẹn một căn nhà lá và mấy chục m2 đất vườn. Cứ túc tắc nuôi con lợn, con gà, trồng mấy cây ngô, rau khoai lang, làm thuê, làm mướn qua ngày. Tích cóp được đồng nào là em mua đất nương đồng ấy. Làm nông dân mà không có đất thì làm thế nào được” – Khánh tâm sự.
Sau khi kết hôn, anh bàn với vợ mở rộng đất sản xuất. Tiền ít, Khánh cứ nhằm chỗ đất nương rẻ mà mua rồi dồn sức vào cải tạo và đương nhiên mảnh đất “chó ỉa” ấy được nhắm đến đầu tiên. “Người có đất cũng đang muốn bán cho rảnh mà em thì đang muốn mua nên việc sang nhượng nhanh chóng lắm. Có đất, em tranh thủ bạt đá, san đất, đốt cỏ, làm đường đi… lần lữa mấy năm trời thế mà cũng được 2,5ha đất đấy. Cứ được ít nương nào là trồng vào đấy cây nhãn, cây cà phê, cây na… Lúc cây chưa khép tán thì trồng xen đậu tương, đậu xanh, đỗ, lạc, vừng để lấy thu nhập ngắn ngày nuôi cái cây dài ngày. Tuy vườn của em rất tốt, nhưng so với cây na thì cây trồng khác không bằng được. Vậy là em tỉa dần những cây khác để chuyên canh cây na. Nhưng na không phải là cây dễ tính, vì thế em phải học hỏi rất nhiều. Em lấy chính cái vườn này và công sức của mình đẻ làm các thử nghiệm về cây na. Nhờ thế mà bây giờ em thành tỷ phú từ cây na đấy”
“Sướng nhất là làm nông dân”
Đưa tôi đi thăm khu vườn na của mình trên con đường bê tông chạy ngang, dọc khắp khu vườn, Khánh bảo: Em xác định đã làm nông dân là phải đầu tư cho xứng tầm thì hiệu quả kinh tế mới cao mà thương hiệu cũng mới có được. Vì thế không chỉ dồn vào đây hàng ngàn ngày công cải tạo đất, làm đường mà mỗi năm em vẫn chi vào cho vườn cây này ngót nghét 200 triệu đồng tiền vật tư, phân bón, thuê nhân công lao động. Lúc nào rảnh rỗi là em đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm vườn, trồng na từ những mô hình khác ở miền Bắc. Nhờ thế na của em không chỉ sai quả mà còn có nhiều quả to tới 1,2-1,4kg. Những trái như thế, bán giá gấp 3 lần so với na thường mà các thương lái vẫn tranh nhau mua, sướng lắm.
Đèn bắt côn trùng được anh Khánh sử dụng như một công cụ để bảo vệ cây quanh năm.
“Không chỉ là người giàu có, anh Trần Bá Khánh còn là người rất năng động, dám đổi mới để đưa nghề trồng na ở đất này phát triển thành một nghề hiệu quả cao” - ông Hà Văn Sơ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La giới thiệu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn