Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, phát triển kinh tế trang trại là chủ trương của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân để thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung bán công nghiệp và công nghiệp theo hướng an toàn sinh học. Các chủ trang trại được hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất đai, vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất. Sau dồn thửa đổi ruộng, huyện đã quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng những vùng đất kém hiệu quả sang phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, đưa các trang trại chăn nuôi, khu đất được quy hoạch.
Chăm sóc bưởi diễn ở trang trại Bống Vàng xã Tiên Tiến (Phù Cừ)
Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại Bống Vàng của gia đình bà Trần Thị Hạnh xã Tiên Tiến (Phù Cừ), một trong những điển hình về trang trại bảo đảm vệ sinh môi trường và xa khu dân cư. Bà Hạnh cho biết, năm 2003, gia đình tôi đã dồn thửa đổi ruộng và đấu thầu một khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả rộng khoảng 6ha nằm xa khu dân cư để làm trang trại nuôi cá và trồng cây ăn quả. Trong đó, 8 mẫu làm 4 ao thả cá, diện tích còn lại trồng cây ăn quả. Gia đình bà chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, 2 năm cho thu hoạch 3 vụ, ước thu trung bình mỗi vụ được 40 tấn cá. Để nuôi thả cá đạt hiệu quả, trong mỗi ao nuôi thả đều có 1 máy tạo ô xy để sử dụng khi cần thiết. Để phòng bệnh cho cá, bà Hạnh thường sử dụng vôi bột, nhất là khi cá bị các bệnh ngoài da sẽ nhanh lành vết thương. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, gia đình bà thường phơi ao một thời gian rồi mới thả tiếp. Với diện tích trồng cây ăn quả, hiện nay gia đình bà Hạnh trồng 3 nghìn cây cam canh, 2 nghìn cây cam vinh, 1 nghìn cây bưởi diễn, trung bình mỗi năm xuất bán khoảng 3 vạn quả bưởi diễn, 25 tấn cam vinh, 20 tấn cam canh. Tổng thu của trang hiện đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm. Theo bà Hạnh, kinh nghiệm để cây ăn quả đạt năng xuất và chất lượng là phải chú ý đến thời tiết, nhất là trong thời gian ra hoa và đậu quả, áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật ở mức vừa phải, đúng nguyên tắc, quy trình... Chọn giống cũng là khâu quyết định của sản phẩm, phải chọn được giống chuẩn thì chất chất lượng quả mới ngon….Bên cạnh đó, trang trại của bà Hạnh đã thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Văn Vỹ ở thôn Ngọc Trúc- xã Minh Hoàng là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện. Năm 2000, gia đình anh nhận toàn bộ 2,7 mẫu ruộng của gia đình về khu ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả để đào ao nuôi baba. Với phương châm lấy gắn nuôi dài, từ nguồn vốn có được nhờ nuôi baba, năm 2005 anh bắt đầu nuôi 4.000 con vịt đẻ, đến năm 2007 anh đầu tư trên 500 triệu xây trang trại nuôi lợn khép kín, bảo đảm vệ sinh với tổng diện tích trang trại trên 500m2. Anh Vỹ nuôi 40 con lợn nái, 200 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi năm xuất bán trên 20 tấn lợn thương phẩm. Anh cho biết, kinh nghiệm để nuôi lợn đạt hiệu quả phải chia chuồng trại thành 2 khu riêng biệt, 1 khu nuôi lợn nái, 1 khu nuôi lợn thương phẩm để hạn chế lây lan dịch bệnh, vì lợn thương phẩm dễ bị dịch bệnh hơn lợn nái. Đến năm 2010 anh đầu tư xây thêm 4 lò ấp trứng, chuyên ấp trứng vịt lộn xuất bán ra thị trường Hà Nội và Bắc Ninh. Trung bình, anh Vỹ thu lãi 300- 400 triệu đồng/ năm từ trang trại của mình.
Các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn. Có thể thấy đây là hướng đi phù hợp cho người nông dân, không những giảm được áp lực lao động việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.
Đức Tuấn
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn