Thành quả khích lệ Tính đến năm 2011, Phú Thọ có 15.700ha chè, với khoảng 13.900ha chè đang cho thu hoạch, trong đó 4.020ha do doanh nghiệp (DN) quản lý, 11.680ha do nông dân trực tiếp sản xuất. Những năm qua, do tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống chè có năng suất cao vào trồng nên năng suất chè búp tươi của Phú Thọ tăng đáng kể, đạt 83,93 tạ/ha (năm 2011), tổng sản lượng chè búp tươi 117.000 tấn. Hiện, 100% diện tích chè trồng lại đã được thay bằng chè cành, với các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như LDP1, LDP2, PH 11, Kim Tuyên; bà con nông dân cũng tăng cường sử dụng phân bón, phun bổ sung phân bón lá, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, toàn tỉnh có 5 cơ sở với diện tích 1.723,35ha chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chè an toàn, đặc biệt là toàn bộ diện tích chè của Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền đã được cấp chứng nhận RFA (Rainforest Alliance, viết tắt là RFA - chương trình nông nghiệp của Tổ chức Liên minh Rừng nhiệt đới). Đến nay, Phú Thọ có 1.845 máy hái chè, 1.416 máy đốn chè, 1.807 máy phun thuốc động cơ, góp phần nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn đang xảy ra sự chênh lệch khá lớn giữa năng suất chè do các hộ dân quản lý và chè của các DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2011, năng suất chè của dân trồng chỉ đạt 69 tạ/ha, trong khi năng suất chè của các DN đạt tới 130,8 tạ/ha. Cụ thể, Công ty Liên doanh chè Phú Đa đạt 154,4 tạ/ha, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền 112,9 tạ/ha... Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, Phú Thọ đã quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn đến năm 2020, xác định vùng sản xuất chè ổn định về diện tích, đáp ứng yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, tỉnh tập trung trồng thay thế khoảng 2.000ha chè giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nguyên liệu chế biến của từng loại sản phẩm. Phấn đấu đến 2015, năng suất chè búp tươi đạt 9,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi 130.000 – 135.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 35 - 38 triệu đồng/ha, đặc biệt là xây dựng được thương hiệu chè Phú Thọ có khối lượng hàng hóa lớn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Tỷ lệ cơ cấu các giống chè mới đạt trên 70%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chú trọng thực hiện bón đúng, đủ theo quy trình, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, phân bón lá, sản xuất chè theo quy trình an toàn để vừa tăng năng suất, sản lượng, vừa nâng cao chất lượng chè, từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của ngành chè. Xây dựng làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Phú Thọ cũng sẽ rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, trên cơ sở đảm bảo các DN chế biến phải có vùng nguyên liệu và có hợp đồng đầu tư, thu mua nguyên liệu với người trồng chè. Khuyến khích các DN đầu tư chế biến sâu, chế biến chè thành phẩm, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu trực tiếp; đẩy mạnh chế biến chè xanh để đáp ứng nhu cầu nội tiêu và một phần dành cho xuất khẩu. Lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, sản xuất chè an toàn cho nông dân, công nhân vùng chè; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh chè an toàn. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm chè. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn, chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng đồi để phát triển vùng chè nguyên liệu gắn với XDNTM.
Hoàng Văn Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn