Tăng độ che phủ rừng
Tỉnh Quảng Ngãi hiện đang phát triển mạnh ba loại rừng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nhiều chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện được đời sống của nhân dân địa phương.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về phát triển kinh tế rừng hiện nay, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô xác định: Quảng Ngãi - một trong những tỉnh miền trung có tiềm năng thế mạnh đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 299 nghìn ha (trong đó rừng phòng hộ chiếm 45,5% và rừng sản xuất chiếm 55,5%). Trên cơ sở quy hoạch đất lâm nghiệp, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hợp lý, khuyến khích nông dân phát triển rừng. Các dự án KFW6, JIBIC, WB3 và dự án 661 đã triển khai với hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới khoảng hàng chục nghìn ha rừng. Mục tiêu kinh tế là tập trung phát triển mạnh rừng phòng hộ và rừng sản xuất, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho nghề rừng phát triển toàn diện. Ðây là cơ sở để các địa phương thực hiện tốt các chương trình, dự án trồng rừng, bảo đảm phát huy hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới, sinh hoạt, ngăn chặn xói mòn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ, đồng bộ công tác quy hoạch ba loại rừng, tiến hành quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả. Nhiều loại đất trước đây quy hoạch không đúng thì nay được điều chỉnh lại cấp cho dân sản xuất. Các huyện miền núi tập trung thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý, sản xuất. Nhiều hộ dân hiện nay đã trở thành chủ rừng với mức đầu tư hàng chục triệu đồng cho những cánh rừng trồng mới. Các công ty lâm nghiệp, lâm trường và nhà máy chế biến dăm gỗ cũng đã có bước đột phá, mạnh dạn đầu tư tiền tỷ cho những khu rừng trồng tập trung, tạo nên những cánh rừng bạt ngàn. Nhờ đó, mà vốn rừng tăng lên rất nhanh, diện tích rừng trồng mới mỗi năm đều tăng đáng kể, góp phần đưa tỷ lệ độ che phủ rừng từ 24,6% năm 1999 lên gần 46% trong năm 2012...
Giàu lên từ rừng
Về thăm huyện miền núi Ba Tơ, nơi có phong trào trồng rừng mạnh nhất tỉnh hiện nay, chúng tôi chứng kiến nhiều mô hình kinh tế đồi rừng rất hiệu quả và đang được nhân rộng trong các hộ dân. Chánh Văn phòng Huyện ủy Ba Tơ Nguyễn Văn Thường cho biết, Huyện ủy vừa thông qua kế hoạch tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác phát triển kinh tế rừng. Ðây là một trong những chương trình đột phá của huyện, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững. Hằng năm, các xã và thị trấn Ba Tơ đều xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế rừng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn hộ dân. Nhiều hộ dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng cho mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò, dê đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ðứng trên đỉnh đèo Lâm thuộc xã Ba Thành trong nắng chiều ấm áp của những ngày cuối tháng 9 này, chúng tôi tận mắt thấy những cánh rừng thông, bạch đàn ngút ngàn tầm mắt. Xa xa bên cánh rừng bạch đàn là hàng chục con bò đang nhẩn nha gặm cỏ và một đàn dê mải mê nhai lá rừng. Trạm trưởng khuyến nông Ba Tơ Nguyễn Thanh Hiệp cho biết: Hiện nay, ngoài xã Ba Thành, các xã khác cũng đã đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng rất mạnh với khoảng 80% số hộ dân trong huyện tham gia trồng rừng. Mỗi xã có hàng trăm hộ làm kinh tế rừng với mức thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Tại thôn Mô Lân, xã Ba Tô, gần 75% số hộ đã làm chủ đất rừng. Hằng năm, đồng bào trong thôn, bản đã trồng mới hàng chục ha rừng kết hợp chăn nuôi bò, lợn cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Bí thư Chi bộ thôn Mô Lân Phạm Văn Sâm phấn khởi cho biết: Bây giờ bà con ở đây vui lắm, vì được Ðảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn sản xuất. Nhiều người đã được Trạm khuyến nông đầu tư giống cây lâm nghiệp, lợn giống cho nên làm ăn có thu nhập khá, ổn định được cuộc sống...
Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ba Tơ là đơn vị nòng cốt trong phát triển kinh tế đồi rừng trên mảnh đất Ba Tơ Anh hùng. Công ty đã gắn bó với địa phương để phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 1.800 hộ dân. Hiện, công ty đã ký hợp đồng với hộ dân chín xã trong huyện để làm kinh tế rừng. Trong đó các hộ dân thực hiện các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ với bình quân 10 triệu đồng/ha/hộ. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào không những đã ổn định cuộc sống mà còn giàu lên nhanh chóng như các hộ: Phạm Văn Sơn (xã Ba Trang), Phạm Văn Mời (xã Ba Lế), Phạm Văn Lai (xã Ba Thành)...
Ðưa chúng tôi ra thăm vườn ươm, Phó Giám đốc Công ty Huỳnh Hoàng cho biết: Ở đây, công ty đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp với sản lượng gần hai triệu cây con/năm, bảo đảm cung cấp cho các hộ hợp đồng trồng rừng trong từng vụ. Ngoài ra, tại xã Ba Thành cũng đã hình thành một làng chuyên sản xuất cây keo giống với 14 hộ tham gia và mỗi năm đã ươm hơn sáu triệu cây giống keo lai, bảo đảm cung cấp cho các đơn vị và hộ trồng rừng trên địa bàn.
Chúng tôi đến một số địa phương miền núi khác của tỉnh Quảng Ngãi, đều thấy cây rừng phát triển xanh tốt. Ðứng trên đỉnh đèo Eo Gió (huyện Nghĩa Hành), Dốc Cà Ðáo (huyện Sơn Hà) có thể thấy mầu xanh của rừng bạt ngàn, nhiều diện tích rừng mới trồng đang lên xanh tốt. Hàng chục ha rừng trồng cách đây năm năm đã đến tuổi thu hoạch. Nhân dân một số địa phương cho biết: Chúng tôi có cuộc sống ổn định, giàu lên là nhờ trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, mầu xanh của rừng keo đang lấn vào sân vườn của hộ dân. Nhiều hộ đã xây dựng trang trại trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi cho thu nhập khá cao. Ðồng bào H’re ở Sơn Hà, Minh Long, đồng bào Cà Dong ở Sơn Tây và người Kor ở Trà Bồng có xóa được cái đói, vươn lên làm giàu cũng nhờ một phần phát triển cây lâm nghiệp. Không những ở các xã miền núi mà hiện nay nhiều xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ðức Phổ, Mộ Ðức, Bình Sơn cũng đang phát triển mạnh cây lâm nghiệp. Hằng năm, mỗi địa phương đầu tư trồng mới hàng trăm ha rừng phòng hộ, rừng nguyên liệu. Với diện tích rừng trồng hiện nay trên địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ cho các nhà máy sản xuất đồ mộc và chế biến dăm gỗ xuất khẩu...
Bảo tồn và phát triển vốn rừng
Bên cạnh lợi ích từ rừng mang lại thì Quảng Ngãi cũng còn nhiều bất cập trong việc phát triển vốn rừng như hệ thống tổ chức, quản lý lâm nghiệp chưa ổn định. Các công ty lâm nghiệp, lâm trường chậm đổi mới, sản xuất kém hiệu quả. Công tác điều tra, quy hoạch đất lâm nghiệp thiếu thực tế, sử dụng không ổn định. Nhiều nơi sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích để trồng mì, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ. Nhất là các huyện miền núi đang có xu hướng sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp chồng lấn diện tích ngày càng lan rộng. Công tác quản lý rừng chưa chặt chẽ. Ðáng nói, nhiều địa phương trồng rừng có quy hoạch, nhưng đến khi khai thác thì không đúng qui hoạch, tiến độ. Mạnh ai nấy khai thác đã dẫn đến đất rừng nghèo, phòng hộ kém và rừng dễ cháy. Các vụ khai thác rừng trái phép vẫn còn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng, chống thiên tai và công tác trật tự, an toàn xã hội...
Với mục tiêu phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung công tác điều tra, quy hoạch, khoanh nuôi và bảo vệ diện tích rừng hiện có, khắc phục tình trạng suy thoái của rừng và đẩy mạnh trồng mới, bảo đảm cải thiện môi trường sinh thái, phấn đấu đạt 46% độ che phủ của rừng đến năm 2012. Trước mắt, ngoài việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, tỉnh triển khai thực hiện chủ yếu phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất, với tổng diện tích hơn 256 nghìn ha. Các huyện và công ty lâm nghiệp trong tỉnh cần đổi mới phương án sản xuất và triển khai biện pháp phát triển rừng trồng, bảo đảm thu hút hàng chục nghìn lao động tham gia trồng rừng, ổn định cuộc sống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chính sách thu hút đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng có hiệu quả; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn. Tỉnh Quảng Ngãi có chính sách đầu tư xây dựng các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung, trong đó xác định rõ quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng cho các công ty lâm nghiệp, lâm trường, các thành phần kinh tế khác và hộ gia đình, bảo đảm đầu tư sản xuất lâu dài. Ðất giao cho từng hộ gia đình sử dụng, được bố trí một phần diện tích để thực hiện sản xuất nông, lâm kết hợp, bảo đảm cho việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các xã đặc biệt khó khăn khi giao đất cho hộ dân phải bố trí vốn, đầu tư kỹ thuật, cây giống để người dân yên tâm phát triển lâm nghiệp.
Với sự bảo tồn và phát triển vốn rừng như hiện nay, sẽ góp phần tạo cơ hội cho nhiều hộ dân vùng cao, vùng sâu của tỉnh Quảng Ngãi khai thác được tiềm năng lợi thế kinh tế rừng, ổn định được cuộc sống và sớm thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn