Năm 1994, ông Nguyễn Quốc Phi (thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) đã mạnh dạn nhận 3,8ha đất trống đồi trọc để phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, sau 5, 6 năm lao động quần quật, kinh tế gia đình vẫn không khá lên, cái nghèo vẫn đeo đẳng... Năm 2010, được QKN cho vay 200 triệu đồng và tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ông đã tiến hành xây dựng, tổ chức lại sản xuất trong trang trại. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình ông thu về vài trăm triệu đồng. Tương tự, năm 2010, gia đình ông Nguyễn Quang Khải, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) được vay 400 triệu đồng để cải tạo 18 mẫu ao, hồ thuộc vùng đồng Chảy thường xuyên ngập úng nuôi cá, vịt đẻ trứng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Còn với gia đình ông Ngô Xuân Thủy, thôn Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), năm 2011, nhờ được vay 200 triệu đồng từ QKN, đến nay trang trại của ông đã mở rộng quy mô với 250 con lợn và 30 con bò sữa, trong đó có hơn 10 con đang cho thu hoạch với sản lượng 250kg sữa/ngày. Năm 2012, gia đình ông thu về 400 triệu đồng...
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Giám đốc Quỹ chia sẻ: Từ nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu khi thành lập (tháng 2-2002) là 5 tỷ đồng, hằng năm QKN đều được thành phố cấp bổ sung, đến nay đã có trên 93 tỷ đồng. Trong 10 năm hoạt động, quỹ đã giải ngân cho 2.079 lượt hộ vay vốn, với tổng số vốn quay vòng là 259,425 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho khoảng gần 6.500 lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc cho vay vốn, Trung tâm Khuyến nông còn tập huấn, chuyển giao KHKT giúp các hộ sản xuất hàng hóa giá trị, chất lượng cao.
Để nguồn vốn của quỹ đến đúng địa chỉ, tránh thất thoát, rủi ro, hằng năm quỹ đều xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết trình Sở NN&PTNT, Sở Tài chính phê duyệt và thẩm định. Ngay từ cuối năm trước, Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo các trạm khuyến nông trực thuộc phối hợp với chính quyền, HTX nông nghiệp điều tra, khảo sát nhu cầu vay vốn sản xuất của các hộ để tổng hợp, xây dựng phương án cho năm sau. Trên cơ sở đó, trung tâm sẽ phân bổ kế hoạch giải ngân vốn cho từng trạm khuyến nông theo từng tháng, quý và để lại 15%-20% tổng nguồn vốn hằng năm để ưu tiên hỗ trợ giải ngân cho những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.
Hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều ngành có giai đoạn càng sản xuất càng thua lỗ, đặc biệt là chăn nuôi. Song do làm tốt khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ nên tỷ lệ nợ quá hạn của quỹ lũy kế đến nay chỉ là 728,20 triệu đồng, chiếm 0,734% tổng nguồn vốn để giải ngân của quỹ. Đánh giá về hiệu quả của QKN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, quỹ đã giúp nông dân, các địa phương khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề và tiềm năng về kỹ thuật, đồng thời góp phần thúc đẩy hình thành kinh tế trang trại, khuyến khích tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật. Năm 2013, thành phố sẽ bố trí thêm 20 tỷ đồng cho quỹ nhằm giúp nông dân có nguồn vốn ổn định mở rộng sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn