Nhận thấy mình đủ "lớn", Quỹ tín dụng nhân dân Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) quyết định "ôm" thêm các xã Xuân Liên, Cổ Đạm.
Năm 2011, Quỹ TDND liên xã Cương Gián quyết định mở rộng địa bàn hoạt động sang xã Xuân Liên và được đổi tên thành Quỹ TDND liên xã Cương Gián. Không dừng lại ở đó, tháng 10/2016, quỹ tiếp tục "ôm" thêm xã Cổ Đạm. “Từ đó, mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo cho người dân các xã nói trên nhờ nguồn vốn cho vay của quỹ” – Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND liên xã Cương Gián Nguyễn Văn Trính khẳng định.
Trước đây, hàng năm, chỉ có khoảng 5 cá nhân thuộc xã Cổ Đạm tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ TDND liên xã Cương Gián. Những hộ này phải được người thân có hộ khẩu tại 2 địa phương của quỹ bảo lãnh và phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, mức tối đa không quá 500 triệu đồng.
Cán bộ quỹ thẩm định hồ sơ để cho các hộ dân Cổ Đạm vay vốn.
“Chưa nói đến lãi suất cao, thời gian thực hiện các thủ tục và thẩm định ở các ngân hàng khác mất đến cả tuần, thậm chí 2 - 3 tuần mới xong. Nhưng từ khi quỹ “vươn” tới Cổ Đạm, người dân trong xã chỉ một tiếng là thủ tục hoàn tất” – chị Nguyễn Thị Phương (thôn 5, xã Cổ Đạm) vui mừng cho biết.
Ở một khía cạnh khác, chị Bùi Thị Tình ở thôn 3 nhìn nhận: “Nhiều người còn có thể vay tối đa với số vốn 3 tỷ đồng (tùy tài sản thế chấp), thay vì 500 triệu đồng như trước đây. Nhờ đó, đủ tầm để đầu tư các dự án lớn hơn”.
Nhờ nguồn vốn vay 1,2 tỷ đồng, HTX Sản xuất nước mắm và hải sản khô Thiên Phú (Cương Gián) có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trước thời điểm sáp nhập xã Cổ Đạm, quỹ có 3.536 khách hàng, với tổng nguồn vốn hoạt động 236 tỷ đồng; dư nợ cho vay 206 tỷ đồng. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách hàng tăng lên 3.812 người, với tổng nguồn vốn hoạt động 281 tỷ đồng và dư nợ cho vay lên đến gần 300 tỷ đồng. Đáng nói hơn, nhiều năm lại nay, doanh thu của quỹ không ngừng tăng, dự kiến năm 2018 sẽ đạt mức tăng trưởng 10%.
Những con số “biết nói” trên không chỉ là thành công của việc mở rộng địa bàn theo hướng có lợi cho đôi bên, điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp mà còn thể hiện chiến lược kinh doanh linh hoạt, năng động của quỹ trong việc “nới rộng” đối tượng để tăng thêm dư nợ cho vay nhưng vẫn đảm bảo “an ninh tiền tệ” theo quy định.
Giao dịch cho vay vốn tại xã Xuân Liên
Sau 5 năm kinh doanh mặt hàng điện tử không hiệu quả, anh Hoàng Hiền (Hà Nội) lấn sân sang lĩnh vực chế biến thép và không ngừng mở rộng sản xuất với 3 xưởng chế biến thép tại Hà Nội có tổng số vốn khoảng 70 - 80 tỷ đồng. Thành công này có được là nhờ số tiền 2 tỷ đồng vay từ Quỹ TDND liên xã Cương Gián với sự "bảo lãnh" của người thân ở địa phương.
“Tạo dựng được lòng tin là tốt nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong công tác tín dụng. Người vay có thể không sinh sống trong xã vẫn được vay vốn nhưng phải có bão lãnh của người địa phương (tất nhiên phải có tài sản thế chấp). Bởi vậy, hàng chục năm nay, tỷ lệ nợ xấu của quỹ chỉ 1,1 tỷ đồng, tương ứng với 0,03%, thấp hơn nhiều so với quy định là 3%” – Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Cương Gián Nguyễn Văn Trính cho biết thêm.
Hoài Nam
Tác giả bài viết: Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn