Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt cho biết: “Vụ hè thu năm 2011, HTX mạnh dạn hợp tác với 5 hộ ở các xã Tân Phú Trung, Trung Lập Hạ và Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm. Mô hình đã góp phần giảm một nửa lượng phân hóa học theo quy trình thông thường, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới và các thuốc sinh học, nấm xanh trừ rầy nâu, chất kháng đạo ôn…”. Thực tế sản xuất cho thấy, sản lượng của mô hình giảm 20%, thời gian canh tác dài hơn, nhưng chất lượng gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Cũng theo bà Hòa, mặc dù bà con rất hào hứng tham gia mô hình nhưng do HTX đang gặp khó khăn nên chưa thể mở rộng diện tích sản xuất lúa, trong đó khó khăn lớn nhất vẫn là tìm đầu ra; người dân quen canh tác theo tập quán cũ nên chậm tiếp thu tiến bộ kỹ thuật; ngoài ra, vốn dùng để bao tiêu sản phẩm của HTX còn hạn chế… Ông Trần Văn Mười ở xã Tân Phú Trung chia sẻ: “Bà con thật sự hào hứng, tâm đắc với mô hình của HTX Thỏ Việt, bởi trong quá trình sản xuất, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật, được bao tiêu sản phẩm”. Theo ông Mười, cũng như việc trồng rau VietGAP, mô hình sản xuất lúa hữu cơ lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn do phải ghi chép nhật ký đồng ruộng, phải thực hiện hàng loạt tiêu chuẩn, nhưng đến nay bà con đã quen dần với cách làm mới này. Hơn nữa, do sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với giá cao nên ngày càng có nhiều nông dân tự nguyện tham gia, ý thức sản xuất cũng được nâng cao. Theo nhận định của Liên minh HTX TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã hướng dẫn nông dân thực hiện khá tốt các mô hình sản xuất VietGAP, trong đó, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất rau, củ VietGAP, nay là trồng lúa VietGAP xen vụ trên đất rau màu. Tuy nhiên, HTX cần hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất đảm bảo an toàn, cho năng suất, sản lượng cao; đồng thời có kế hoạch bao tiêu sản phẩm ổn định. Ông Nguyễn Hữu Phú, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, toàn huyện có trên 5.000ha đất lúa, còn diện tích trồng rau mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường (khoảng 1.200 tấn), trong khi đó, việc trồng rau màu xen lúa trên những diện tích đất phèn đang được đánh giá là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, lại “cắt” được một số loại sâu bệnh hại. Thời gian tới, có thể huyện sẽ quy hoạch các mô hình trồng rau VietGAP gắn với du lịch sinh thái, góp phần tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt cho biết: “Nhằm tiến tới đa dạng hóa sản phẩm, chúng tôi đang vận động xã viên chuyển một phần diện tích trồng rau sang mô hình trồng lúa theo quy trình mới, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Trong năm nay, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng lúa VietGAP lên 200ha nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường”. Minh Tuấn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn