Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Bình Định. |
Ðưa khoa học vào đồng ruộng
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Ðịnh thời gian qua có những bước tiến khá đa dạng ở phần lớn các khâu trước và sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với nông nghiệp, nông thôn. Hiện, khâu làm đất bằng máy chiếm 95%, sử dụng công cụ sạ hàng 55%, thu hoạch bằng cơ giới 60%, máy đập tuốt 95%. Trên lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2011 đạt gần 700 nghìn tấn, tăng 28,9% so năm 2005. Sau năm năm, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi được 20 nghìn ha từ ba vụ lúa bấp bênh, sang sản xuất hai vụ lúa có hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân trên chân ruộng hai vụ lúa cao hơn năng suất ba vụ lúa từ 9 đến 12 tạ/ha.
Ðến nay, lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Ðịnh, với diện tích hơn 110 nghìn ha/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, ổn định đời sống của người dân nông thôn. Do đó, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa triển vọng của Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, hằng năm, ngành chức năng thường xuyên có sự điều chỉnh cơ cấu giống lúa sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định bộ giống lúa chủ lực, các giống bổ sung và các giống lúa sản xuất thử. Bảo đảm các giống chủ lực là những giống chịu thâm canh, năng suất cao, phù hợp với điều kiện địa phương, như: ÐV 108, SH 2, ÐB 6, VÐ 8, Nhị ưu 838... Mặt khác, đưa vào cơ cấu các giống lúa bổ sung là các giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng khá. Ngoài ra, hằng năm đều có bố trí khảo nghiệm, sản xuất hàng chục giống lúa thuần triển vọng mới để tạo cơ sở bổ sung vào cơ cấu những năm tiếp theo. Tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất của tỉnh trung bình hơn 95%.
Bên cạnh đó, nhờ kết hợp chặt chẽ giữa việc khảo nghiệm, nhân giống và chuyển giao giống cây trồng mới gắn với các mô hình khuyến nông cho nên các giống cây trồng cạn mới cũng đã được đưa đến với nông dân, nhân rộng ra sản xuất, thay thế các giống cũ, tỷ trọng giống mới, giống lai, giống cao sản cao hơn các năm trước.
Với sự nỗ lực của hệ thống khuyến nông và sự đồng tình của bà con nông dân, sự chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền địa phương và sự phối hợp của các đoàn thể, đến nay, Bình Ðịnh đã xây dựng 47 công thức luân canh trên 210 cánh đồng với diện tích 8.692 ha, đạt tiêu chí hơn 50 triệu đồng/ha, trong đó có 12 công thức luân canh bền vững. Toàn tỉnh có 1.402 trang trại (trong đó mô hình trồng trọt 258 trang trại, mô hình chăn nuôi 153 trang trại, mô hình lâm nghiệp 749 trang trại, mô hình thủy sản 150 trang trại, mô hình tổng hợp (VAC) 92 trang trại). Cả tỉnh có 17.228 hộ đạt danh hiệu sản xuất giỏi, có giá trị thu nhập từ 60 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó các công thức luân canh có giá trị thu nhập cao như: Xã Cát Hải, huyện Phù Cát chuyển toàn bộ diện tích từ một vụ lúa bấp bênh sang trồng lạc và hai vụ hành, thu nhập hơn 180 triệu đồng/ha/năm; xã Cát Tài - Phù Cát chuyển ba vụ lúa kém hiệu quả chuyển sang luân canh các loại cây trồng như lạc - ớt - ngô - vừng rau các loại, hơn 874 ha, đạt giá trị thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm; xã Tây Giang - Tây Sơn với công thức lạc - dưa leo - khổ qua (mướp đắng), hay lạc - hai vụ hành, dưa leo, đạt giá trị thu nhập 337,5 triệu đồng/ha/năm; các xã Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Lộc huyện Tuy Phước, chuyển đất lúa ba vụ sang công thức lúa - hoa huệ cho thu nhập 120 triệu đồng/ha/năm; Với công thức lúa - lạc - lúa, lạc - ngô - kiệu, chuối lùn chuyển từ đất ruộng lúa thiếu nước, sản xuất ba vụ lúa kém hiệu quả ở các xã Ân Phong, Ân Tường Ðông, Ân Hảo Ðông, Ân Thạch... huyện Hoài Ân, đã cho thu nhập từ 70 đến 150 triệu đồng/ha/năm; các xã miền núi Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thịnh huyện Vĩnh Thạnh áp dụng các công thức luân canh lạc, ớt, ngô lai, rau các loại đã thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng/ha...
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Ðịnh xác định, trong giai đoạn 2010 - 2015 hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả. Trọng tâm là từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản và phát triển dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX, gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ở nông thôn theo hướng hiện đại.
Trong vụ Hè Thu 2012, toàn tỉnh đã xây dựng bảy mô hình cánh đồng mẫu lớn, có quy mô diện tích từ 10 đến 50 ha. Tại các mô hình này, bà con nông dân đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa bền vững, ứng dụng quy trình canh tác lúa tổng hợp ba giảm ba tăng, sử dụng các giống lúa lai mới: Syn 6, BiO 404, Nhị ưu 838, các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao như OM6976, OM6162, TBR45, BC15, DV108. Hầu hết các mô hình đều có sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp và thực hiện bao tiêu sản phẩm. Các mô hình được thực hiện đều đã đáp ứng được các tiêu chí đặt ra trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, được nông dân đồng tình hưởng ứng. Vì vậy, ngành chức năng đã và đang có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các địa phương nhân rộng các mô hình, gắn việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho bà con nông dân.
Ðến nay, tỉnh Bình Ðịnh đã hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Triển khai và phê duyệt quy hoạch XDNTM cho toàn bộ 124 xã nông thôn, tiến hành lập đề án cho 64 xã hoàn thành XDNTM đến năm 2020. Trong năm 2012, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất tại các xã XDNTM ước hơn 291 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 22,931 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 40 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình dự án 76 tỷ đồng, vốn tài trợ 15 tỷ đồng, vốn của địa phương và nhân dân đóng góp hơn 137 tỷ đồng. Ðiều đáng ghi nhận là tại nhiều xã XDNTM nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 60 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi...
Tỉnh Bình Ðịnh hiện có hai doanh nghiệp thực hiện bao tiêu sản phẩm hàng hóa cho nông dân là Công ty CP đường Bình Ðịnh, mỗi năm chế biến từ 30 đến 40 nghìn tấn đường và Công ty CP chế biến tinh bột sắn. Ngoài ra, một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân như lúa giống và một số sản phẩm khác, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Về phát triển làng nghề ở nông thôn, đến nay, tỉnh công nhận 26 trong số 29 làng nghề đạt tiêu chuẩn quy định; giá trị làng nghề sản xuất chiếm 3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 46 nghìn lao động nông thôn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Ðịnh tiến sĩ Phan Trọng Hổ: "Thúc đẩy sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, Bình Ðịnh đang tập trung vào các cây, con, ngành nghề mũi nhọn, chủ lực của địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ chế biến và xuất khẩu của tỉnh, hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, khai thác và sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả. Xây dựng, lựa chọn quy trình công nghệ mới, quy trình kỹ thuật cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, lấy khoa học công nghệ làm nền tảng hàng đầu để tác động vào nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh phấn đấu duy trì và mở rộng xây dựng cánh đồng mẫu đạt hơn 50 triệu đồng trở lên, 70% số cánh đồng đạt từ 80 đến 120 triệu đồng/ha/năm... với mục tiêu: Từ độc canh cây lúa sang luân canh đa dạng cây trồng; từ tự túc sang sản xuất hàng hóa; từ số lượng sang giá trị; từ thuần nông sang đa ngành, đa nghề...".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn