07:51 EDT Thứ tư, 03/07/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Sóc Trăng chú trọng đầu tư khoa học - công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 25/08/2012 11:21
Nhờ quan tâm đầu tư nghiên cứu, từng bước tiếp cận và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ (KH - CN) mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH - CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã tạo ra nhiều loại nông sản có giá trị, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những nỗ lực áp dụng tiến bộ KH - CN vào sản xuất và đời sống còn góp phần rất lớn trong việc tạo ra những tiền đề cần thiết để Sóc Trăng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tỉnh Sóc Trăng nằm cuối hạ lưu sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông, đất đai phì nhiêu nên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp và thủy sản. Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững là nền tảng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 15-5-1999 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, “Về phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sóc Trăng”. Trên cơ sở những định hướng, mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, các chương trình mục tiêu; tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó, tỉnh xác định tập trung đầu tư nghiên cứu, từng bước tiếp cận và ứng dụng những thành tựu KH - CN mới, tiên tiến vào thực tiễn là một trong những giải pháp đột phá để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều đề tài khoa học nghiên cứu sản xuất giống cây trồng (nhất là giống lúa), giống thủy sản, giống vật nuôi; các đề tài ứng dụng công nghệ sau thu hoạch,... phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong sản xuất lúa, đề tài “Chọn tạo giống lúa thơm và lúa cao sản kháng rầy nâu phục vụ vùng sản xuất lúa tỉnh Sóc Trăng” được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai từ tháng 1-2009 với mục tiêu tổng quát là chọn tạo giống lúa thơm có chất lượng cao và lúa cao sản kháng rầy phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.  Đến nay, Sóc Trăng đã nghiên cứu chọn tạo giống lúa quốc gia ST3, giống lúa trúng mùa ST5 có phẩm chất tốt và năng suất rất cao, góp phần nâng cao giá trị lúa hàng hóa của tỉnh; diện tích sản xuất giống lúa thơm ST hai vụ/năm đạt 40.000 ha, ở vùng nhiễm phèn vẫn đạt năng suất từ 6,5 đến 7 tấn/ha.

Bên cạnh cây lúa, tỉnh cũng thực hiện thành công dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng bưởi Năm Roi giai đoạn trưởng thành” tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách với sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ của Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ). Kết quả: tỷ lệ bưởi ra hoa tăng 18% - 40%, trái bưởi có màu sắc đẹp hơn, năng suất tăng 77,5%, chất lượng trái ngon hơn. Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất củ hành tím an toàn tại huyện Vĩnh Châu”  giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thêm thu nhập từ 3,6 triệu - 20 triệu đồng/ha, hình thành được vùng sản xuất hành tím an toàn trong huyện khoảng 500 ha...

Công tác khuyến ngư tập trung vào nhiệm vụ chuyển giao đến nông dân các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản. Nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng KH - CN  đã đạt  hiệu quả tốt trong sản xuất, cung cấp giống thủy sản, như tôm càng xanh, cá tra, cá sặc rằn...; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình nuôi một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, cá kèo, cá thác lác, cá chình, ốc hương, cua biển; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật PCR trong chẩn đoán và phòng trị đốm trắng, đầu vàng trên tôm sú...

Tỉnh đã quan tâm đầu tư, phát huy tiềm lực KH - CN trong lĩnh vực công nghệ sinh học; xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Đặc biệt, chương trình “Ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2005 - 2010” đã đem lại những kết quả khả quan. Trong đó, có 3 đề tài đã nghiên cứu thành công và được ứng dụng rộng rãi là: “Nghiên cứu sử dụng nấm xanh, nấm trắng trong phòng trừ rầy nâu hại lúa”; “Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh quản lý bọ cánh cứng hại dừa”; “Nghiên cứu ứng dụng nấm trichoderma SP”.  Đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm xanh, nấm trắng trong phòng trừ rầy nâu hại lúa” được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là giải pháp tiến bộ kỹ thuật bởi chi phí phòng trừ rầy nâu bằng chế phẩm sinh học thấp hơn cách phòng trị bằng thuốc hóa học, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP. Đề tài “Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh quản lý bọ cánh cứng hại dừa” không chỉ giúp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng trừ sinh học đối với dịch hại trên cây trồng. Đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm trichoderma SP” được ứng dụng để giúp phân hủy rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất rau màu. Ứng dụng triển khai đề tài kết quả đã giúp nông dân giảm được 60% lượng phân hóa học; người trồng màu tự ủ được phân hữu cơ vi sinh, giảm được 40%  - 50% giá thành trong sản xuất, mở rộng mô hình chuyên canh màu an toàn, tăng độ phì nhiêu của đất và năng suất cây trồng.

Những nỗ lực trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng những thành tựu KH - CN mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Sản lượng lúa năm 2011 đạt trên 2 triệu tấn; diện tích lúa đặc sản được mở rộng (năm 2011 đạt 60.000 ha, tăng 55.000 ha so với năm 2000); triển khai mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch, sử dụng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa, chất lượng gạo; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng lên hằng năm, đến năm 2011 đạt 80 triệu đồng/ha.

Diện tích cây ăn trái ngày càng mở rộng, nhiều nhà vườn mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây cho thu nhập cao (bình quân mỗi năm tỉnh cải tạo 2.000 ha vườn tạp).  Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái với các giống cây nổi tiếng, có triển vọng về thị trường, hiệu quả kinh tế cao, như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, me Thái... cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại công nghiệp phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 25 trang trại nuôi bò, 121 trang trại nuôi lợn, 54 trang trang trại nuôi gà công nghiệp (thời điểm năm 2000 chưa có mô hình chăn nuôi trang trại công nghiệp). Tổng đàn bò đạt trên 31.000 con (tăng gấp 10 lần so với năm 2000); đàn lợn: 276.150 con (tăng 27%); đàn gia cầm: 6,8 triệu con, tăng gần 3 lần. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng bắt đầu thử nghiệm một số vật nuôi, như cừu, đà điểu... và sẽ nhân rộng nếu các loài này thích nghi được với điều kiện địa phương.

Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh (chủ yếu là nuôi tôm sú) theo mô hình tôm - lúa, mở rộng phát triển nuôi thủy sản ở các huyện vùng trũng, chuyển từ mô hình nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Đến cuối năm 2011, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 66.100 ha (tăng 33% so với năm 2000), trong đó diện tích nuôi tôm đạt 52.909 ha; diện tích nuôi cá và các thủy sản khác đạt 13.313 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác nội địa đạt 160.000 tấn (tăng hơn gấp đôi năm 2000). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 đạt 429 triệu USD, tăng 2,5 lần so với năm 2000 và tăng bình quân 14%/năm.

Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có đường ô-tô đến trung tâm; 95% số hộ dân có điện sử dụng, 87% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm nhanh (năm 1992, khi mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo là hơn 60%, đến năm 2011 giảm còn 22% theo tiêu chí mới).

Linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện

Đạt được thành tựu trên là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Trung ương về khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng KH  - CN vào sản xuất và đời sống, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương; có định hướng phát triển KH - CN theo từng giai đoạn, tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH - CN theo hướng phát huy các lợi thế của tỉnh về sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản... Cùng với việc phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật hiện có, tỉnh luôn quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ khoa học  - kỹ thuật, ban hành chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực này.

Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng những thành tựu KH-CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm qua, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, quan tâm lãnh đạo toàn diện quá trình chọn, nghiên cứu, ứng dụng đề tài; nhất là khâu tuyển chọn đề tài, dự án nghiên cứu, hướng nghiên cứu phải góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Kết quả nghiên cứu phải có sản phẩm cụ thể.

Thứ hai, coi trọng việc xây dựng mô hình, tổng kết đánh giá mô hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, phổ biến, đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Đầu tư mạnh cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; kịp thời đưa thông tin về tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường tới nông thôn, nông dân.

Thứ ba, thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm nền tảng để triển khai các công trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong vận động quần chúng; tạo sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia thực hiện các chương trình, đề án, mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù, đã có nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển KH - CN phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn nhưng trên thực tế lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần sớm rút kinh nghiệm để chấn chỉnh. Đó là: Việc triển khai một số đề tài, dự án KH-CN trong sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều bất cập; công tác ứng dụng những tiến bộ KH-CN phục vụ sản xuất và đời sống chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình độ KH-CN của tỉnh nhìn chung vẫn nằm trong mặt bằng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số các chỉ số phát triển KH - CN còn thấp so với mức phát triển trung bình của cả nước... Hệ quả của thực trạng này là kinh tế tuy phát triển nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm và chưa ổn định; sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn manh mún, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Khoa học - công nghệ hướng mạnh vào nông nghiệp, nông thôn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đã đề ra mục tiêu tổng quát về KH - CN là: “Tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh, bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đi đôi với nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KH - CN vào sản xuất và đời sống…”. Trên cơ sở đó, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH - CN vào phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 100 triệu đồng; duy trì sản lượng lúa trên 2 triệu tấn; ổn định sản lượng thủy sản ở mức 265.000 tấn; xuất khẩu thủy sản đạt 450 triệu USD; toàn tỉnh có 22 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (tỷ lệ 25%), các xã còn lại đạt 11 tiêu chí; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; tỷ lệ hộ dân dùng điện đạt trên 99%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 99%; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh  tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi đa mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các vùng sản xuất tập trung về lúa gạo, rau quả, mía đường, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng cao. Hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới ở 100% xã trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển KH - CN, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Quan tâm công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường và xây dựng thương hiệu hàng hóa cho một số mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, triển khai đề án “Phát triển vùng lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015”; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; đầu tư vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao. Triển khai thực hiện đề án “Cơ giới hóa các khâu thu hoạch và sau thu hoạch”. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung; phát triển chăn nuôi bò, lợn, gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh.

Bốn là, đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật, bảo đảm bảo nuôi trồng thủy sản bền vững; chú trọng phát triển các mô hình nuôi thủy sản sạch, an toàn. Triển khai dự án “Cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản” có tính đến phương án cấp và thoát nước riêng biệt ở một số vùng nuôi tôm. Tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm để bảo đảm nuôi thủy sản bền vững. Thực hiện đề án “Thí điểm bảo hiểm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng” trên địa bàn tỉnh.

Năm là, công bố và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân nhân tham gia cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới; tăng cường huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư thực hiện các tiêu chí về xã nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, nhằm xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, bảo đảm việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt hiệu quả cao.

Bảy là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng các thành tựu KH - CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tám là, tăng cường các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn;  hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, tiêu thụ hàng nông sản, hợp tác phát triển lĩnh vực cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp; thường xuyên phối hợp trao đổi kinh nghiệm với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành vùng ĐBSCL và cả nước về xây dựng nông thôn mới, mô hình kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế trang trại và mô hình dịch vụ nông nghiệp, hợp tác cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao.

Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng sẽ phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015; phấn đấu đến năm 2015 trở thành tỉnh trung bình khá của khu vực và có mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân chung của cả nước./.

Võ Minh ChiếnỦy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
Nguôn: tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: kh cn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 162


Hôm nayHôm nay : 43329

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 153024

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 64138968