Tôm trên cát – “mỏ vàng” 100 tỷ đồng/năm
Trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm thâm canh trên cát bạc màu tại các địa phương ven biển Hà Tĩnh mấy năm gần đây không còn là chuyện lạ. Người mua xe sang, làm nhà đẹp, đi du lịch nước ngoài… từ tiền nuôi tôm ngày càng tăng. “Thạch Hà không chỉ vươn lên dẫn đầu tỉnh về diện tích nuôi tôm thâm canh mà còn có số người thu tiền tỷ từ con tôm trên cát nhiều nhất, cá biệt có người thu 20-25 tỷ đồng mỗi năm…”, nhiều nhà chuyên môn, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, quả quyết.
Không ít người dân vùng bãi ngang Thạch Hà giàu lên nhờ nuôi tôm. |
Nhận định trên quả có cơ sở, nếu tạm tính đến nửa năm 2014. Theo Phòng NN&PTNT huyện, nếu năm 2012, Thạch Hà chỉ có 40 ha nuôi thâm canh, sản lượng 300 tấn; năm 2013 là 50 ha, sản lượng 450 tấn và đến năm 2014, số diện tích này đã lên đến 100 ha, với hàng trăm hộ nuôi, sản lượng dự kiến 800 tấn, ước thu về 100-120 tỷ đồng.
Về các điểm nuôi tôm thâm canh tập trung của huyện (Thạch Trị, Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Long…), Phó trưởng phòng NN&PTNT Thạch Hà Trần Xuân Hòa mừng ra mặt khi cùng các hộ nuôi kéo rớ kiểm tra tôm. Anh Hòa giải thích: “Tôm tại các ao nuôi đang phát triển tốt ở 55-60 ngày tuổi. Bình thường chỉ còn 15-20 ngày nữa là thu hoạch. Nếu “xuôi chèo, mát mái”, riêng vụ tôm xuân hè năm 2014 này, dự kiến, người nuôi trên địa bàn huyện sẽ thu về 500 tấn, trị giá trên dưới 70 tỷ đồng…”.
Trưa một ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, có mặt trên vùng nuôi Long Tường (Thạch Khê), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không khí sôi động chẳng khác gì khu công nghiệp. Vùng nuôi tôm tập trung này có diện tích 12 ha với 34 ao nuôi vẫn nhộn nhịp người, xe và tiếng guồng sục khí hối hả hoạt động. Ông Lê Xuân Quang - một hộ nuôi cho biết: Tôm vùng này phát triển rất tốt… Chỉ 20 ngày nữa, các hộ nuôi sẽ thu về ít nhất 80 tấn tôm… Cơ sở hạ tầng, độ mặn, cán bộ kỹ thuật… tại đây đều rất chuẩn nên người nuôi vơi đi nỗi lo dịch bệnh…
Đến ao tôm của ông Nguyễn Văn Liên - giáo dân ở thị trấn Thạch Hà, tôi mới hiểu tại sao người đàn ông đã ở “tuổi thất thập…” này lại mê nuôi tôm và con tôm cũng trả ơn ông hào phóng đến vậy. Con tôm đã gắn bó với ông từ năm 2004 nhưng đó chỉ là những tháng năm nuôi quảng canh, năng suất thấp. Năm 2011, sau nhiều chuyến “chu du thiên hạ” học hỏi, ông mới đầu tư nuôi thâm canh… Năm 2013, 2 ha tôm ông thu về 15 tấn, giá thời điểm đó trên 200 ngàn đồng/kg, thu trên 3 tỷ đồng. Hai cha con ông mua liền 2 xe ô tô để tiện đi lại. Và vụ tôm xuân hè 2014 này, năng suất, sản lượng vẫn vậy, dù giá hiện tại chỉ còn 140 ngàn đồng…/kg. “Như vậy còn lời chán...” ông Liên hài lòng.
Vậy nhưng, theo nhiều hộ nuôi, những người như ông Liên ở Thạch Hà không ít, “và chưa là gì” so với bà Hạnh. 40 ha tôm trên cát của bà ở Thạch Trị, mỗi năm thu lãi ròng 20–25 tỷ đồng…! “Giấc mơ tỷ phú” đã thành hiện thực với nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở Thạch Hà!
Thực phẩm xanh - “vàng” trên cát trắng
Cùng với nuôi tôm thâm canh, gần đây, những mô hình sản xuất rau, củ, quả trên đất cát bạc màu cho thu nhập 200–300 triệu đồng/ha đang mở ra cho người dân Thạch Hà hướng làm giàu mới. Trên cánh đồng Bắc Văn (Thạch Văn), 1 ha dưa đỏ giống An Tiêm 103 và 108 đến ngày thu hoạch, quả nằm lăn lóc, ken dày như đá cuội dưới lòng khe cạn.
Ông Hòa thu hoạch dưa trên cánh đồng cát bạc màu xã Thạch Văn |
Xẻ quả dưa chừng 3 kg đãi chúng tôi ngay tại ruộng, anh Nguyễn Văn Hòa, hớn hở khoe: “Sáng nay, vợ tôi bán được 4 tạ dưa đầu tiên với giá 8 ngàn đồng/kg. Mai cũng đã có người đặt mua 4 tạ nữa. Như rứa là bằng 1 tấn lúa…”. Không nén được cảm xúc vui mừng, anh nói thêm: Một ha đất cát bạc màu, trước cho chẳng ai lấy vì đến cỏ cũng không sống nổi, nhưng giờ đắt như vàng!”.
Thấy tôi không tin, Hòa hạch toán: “Anh coi, 1 ha dưa này, sau 75 ngày thu về trên 30 tấn quả, bán rẻ cũng được hơn 200 triệu đồng. Dưa đỏ ruột, ngọt nước, anh đang ăn đó. Sau thu hoạch dưa, trồng tiếp 2 vụ cải bẹ, mỗi vụ sau 90 ngày thu 60 tấn, nhân với 2 vụ, nhân với giá 5 ngàn đồng/kg, ít cũng thu được 600 triệu đồng. Rứa không phải là 800 triệu đồng/năm? Trừ hẳn 50% chi phí, còn bỏ túi 400 triệu đồng. Đất mô làm ra chừng đó tiền, huống hồ là đất cát bạc màu bao đời bỏ không…”.
Tôi ngơ ngác, không tin! Nguyễn Đình Hiếu, một trong số những cán bộ kỹ thuật của huyện từng ăn ở hàng tháng trời với người dân trong quá trình thực hiện mô hình, xác nhận: “Đúng đó anh. Chính thế nên huyện cũng đã sớm quy hoạch vùng rau, củ, quả trên đất cát để không chỉ có kế hoạch trong chỉ đạo sản xuất mà còn tránh xẩy ra hiện tượng tranh giành đất sau này…”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Văn Tân cũng không giấu được niềm vui: Từ dự án của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, đến nay, diện tích rau, củ, quả trên đất cát bạc màu của huyện đã mở rộng 27 ha với gần 80 hộ dân địa phương và các doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất. Đó là chưa kể gần 60 ha bí xanh tại các xã Tượng Sơn (40 ha), Thạch Ngọc (12 ha), Thạch Đỉnh (5 ha)… cho lãi ròng 600-700 triệu đồng/ha/năm. Với tiềm năng to lớn này, huyện đã sớm lập quy hoạch. Theo đó, đến năm 2020, diện tích rau, củ, quả của huyện sẽ đạt 349 ha. Riêng năm 2014-2015, huyện sẽ triển khai sản xuất 105 ha thực phẩm xanh, trong đó người dân trực tiếp làm 48 ha, còn lại là các doanh nghiệp… Tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết khâu bảo quản sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đang kích thích người nông dân mở rộng diện tích.
Rõ ràng, thành công bước đầu trong việc nhân rộng mô hình sản xuất trên đất cát bạc màu cho thấy, người dân đã biết ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để không chỉ cho thu nhập cao, cải tạo môi trường trên vùng đất hàng ngàn năm nay được coi là bất lợi, đồng thời tạo ra một lượng quỹ đất nông nghiệp và mở ra vùng sản xuất hàng hóa lớn để tiếp tục nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh…
Cát trắng bạc màu ở Thạch Hà đã thực sự thành “vàng” nhờ nuôi tôm thâm canh và sản xuất thực phẩm xanh. Hàng ngàn hộ dân bao đời lam lũ trên vùng đất cát bạc màu đang có cơ hội vươn lên làm giàu.
TRỌNG TUỆ
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn