Hiện nay, mỗi vụ Thanh Hóa có vài chục nghìn ha lúa lai. Bà Bùi Thị Oanh, quê ở xã Định Hưng, huyện Yên Định cho biết: “Nhà tôi có 5 sào đất trồng lúa, trước đây trồng giống lúa thuần, năng suất chỉ đạt chừng 2 tạ/sào. Kể từ khi đưa giống lúa lai vào gieo cấy, năng suất nâng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với các giống lúa thuần”.
Thu hoạch lúa lai trình diễn ở xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). |
Còn ông Lê Văn Lực, ở xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, khẳng định: "Ở xã tôi, nhà ai cũng trồng lúa lai. Mỗi vụ hiện nay, các giống lúa lai đều chiếm ưu thế, còn giống lúa thuần thì chỉ dành riêng một diện tích vừa đủ để cấy lấy thóc ăn thôi”.
Hiện tại diện tích trồng lúa lai mỗi năm ở Thanh Hóa đạt khoảng trên 100.000ha, chỉ đạt xấp xỉ 50%/tổng diện tích, giảm hơn nhiều so với trước đây. Theo số liệu của Sở NNPTNT Thanh Hóa, tổng diện tích gieo cấy năm 2012, toàn tỉnh có 249.114ha lúa. Tuy nhiên, nếu so sánh với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thì diện tích gieo cấy lúa lai thương phẩm của Thanh Hóa vẫn cao nhất. Ông Nguyễn Xuân Sang - Chủ tịch Hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp Thanh Hóa cho rằng: Hiện tại ở Thanh Hóa, xu thế trồng lúa lai vẫn phát triển. Bởi lẽ, đối với Thanh Hóa, vấn đề an ninh lương thực vẫn đang luôn được đặt lên hàng đầu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Thanh Hóa đang xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa lai giống F1, với diện tích khoảng 1.000ha ở huyện Yên Định, để chủ động nguồn giống cung ứng cho nông dân. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và cả doanh nghiệp sản xuất lúa lai giống F1, đều được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo mức 16 triệu đồng/ha để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nhập giống bố mẹ, mua hóa chất…
Thế Lượng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn