Hiệu quả đạt được trong phong trào làm đường giao thông nông thôn ở thôn Lệ Bảo đã tạo nên một diện mạo mới cho những vùng đất thuần nông, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Thôn Lệ Bảo, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) là thôn thuần nông, không có nghề phụ, với 830 nhân khẩu. Thu nhập chủ yếu từ 2 vụ lúa, 1 vụ màu nhưng hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn, người dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng hoàn thành tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đến thôn Lệ Bảo, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi những con đường liên thôn, liên xóm thẳng tắp, phẳng phiu do chính người dân trong thôn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động. Từ tường rào, đến cây lưu niệm, thậm chí là một góc vườn, sân, cổng, nhà ở đều được bà con sẵn sàng tháo dỡ, hiến tặng, góp sức làm đường. Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết: Trước đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mở mới con đường liên thôn, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ là đường đất, đường gạch, đi lại rất khó khăn. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhân dân trong thôn rất phấn khởi, đóng góp tiền của, ngày công lao động cùng với Nhà nước bê tông hóa tuyến đường liên thôn. Chính vì vậy, khi tuyến đường được hoàn thành đã góp phần làm cho diện mạo của thôn được chỉnh trang đẹp hơn. Gia đình tôi, mặc dù chẳng dư giả gì nhưng vẫn tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công và hiến đất để làm đường.
Ông Trần Văn Ngọc - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Ngay sau khi Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề lấy năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, chúng tôi đã tổ chức họp bàn trong Chi bộ thôn, sau khi đã nhất trí tổ chức triển khai xuống nhân dân. Nhưng một trong những khó khăn lớn nhất của thôn Lệ Bảo đó là nguồn kinh phí thực hiện, bởi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu làm nghề nông. Xác định được khó khăn đó, Chi bộ thôn đã yêu cầu các tổ chức chính trị, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông. Đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ của con em thành đạt đang công tác, sinh sống trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Toàn thôn chia thành 13 nhóm hộ theo các tuyến đường. Các đồng chí đảng viên được phân công phụ trách trong việc tuyên truyền, vận động tại từng tuyến đường. Nhân dân có tuyến đường đi qua tổ chức họp bàn, họp một lần chưa được thì hai rồi ba lần. Có thôn họp đến 5 lần mới nhất trí. Trước tiên cán bộ, đảng viên sẽ là những “hạt nhân nòng cốt” tiên phong đi trước, sau đó tuyên truyền để các hộ dân làm theo.
Chỉ sau gần 1 tháng vận động, tuyên truyền, nhân dân đã đồng tình ủng hộ, với khí thế nhà nhà làm đường, người người làm đường. Anh Ngọc chia sẻ: Quả thật, khi bắt tay thực hiện chúng tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại. Người đồng tình ủng hộ cũng nhiều mà không đồng tình cũng lắm. Bởi, nhiều người không biết trong quá trình thực hiện có công bằng, công khai các khoản thu, chi hay không nên còn e ngại. Vì vậy, Chi bộ thôn đã chọn làm điểm 1 tuyến đường với chiều dài 175 m, rộng 3 m. Trên tinh thần tự nguyện, 16 hộ dân trong tuyến đường đã nhiệt tình đóng góp tiền, ngày công làm đường. Chỉ sau nửa tháng từ khi triển khai đến ngày khảo sát, lập dự toán, mua nguyên vật liệu, tuyến đường đã hoàn thành trong niềm vui phấn khởi của bà con, với tổng kinh phí hơn 130 triệu đồng và trên 300 ngày công. Tại tuyến đường này, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động con em xa quê nên số tiền ủng hộ được trên 50 triệu đồng; trong đó anh Trần Công Lực ở Lai Châu ủng hộ 33 triệu đồng; số tiền còn lại do 16 hộ dân trong tuyến tự nguyện đóng góp.
Sau khi hoàn thành tuyến đường đầu tiên, Chi bộ đã tổ chức họp rút kinh nghiệm chỉ đạo triển khai làm những tuyến đường tiếp theo. Các đồng chí đảng viên được phân công về các ngõ xóm, khu dân cư để làm nòng cốt, các tổ chức đoàn thể trực tiếp tham gia các tiểu ban quản lý xây dựng. Lực lượng lao động chính là hội viên Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên. Mọi người làm việc với tất cả lòng nhiệt tình, hăng say khi được góp sức mình vào việc tạo ra những con đường mới. Ngay cả các cụ trong Hội Người cao tuổi cũng góp công, góp của làm đường, nhằm động viên, khích lệ con cháu thi đua thực hiện.
Do được bàn bạc, tự đứng ra hạch toán thu chi, trên tinh thần dân chủ, công khai... nên nhân dân trong thôn có sự đồng thuận cao, 100% hộ dân thôn Lệ Bảo đã đồng tình ủng hộ chủ trương làm đường giao thông nông thôn. Từ 1 tuyến làm điểm, thấy được hiệu quả thiết thực và với suy nghĩ vì lợi ích cộng đồng nên nhân dân trong toàn thôn đua nhau cùng làm. Tuyến thấp nhất mỗi khẩu đóng góp trên 1 triệu đồng, còn tuyến nhiều lên đến gần 3 triệu đồng. Chỉ sau 6 tháng phát động, 100% các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa. Nhân dân trong thôn đã hiến trên 60 m2 đất, hàng trăm mét tường bao, đóng góp trên 1,1 tỷ đồng cùng hơn 1.000 công lao động để hoàn thành gần 2 km đường giao thông trong khu dân cư, với chiều rộng từ 3 - 4 m. Ngoài ra, con em xa quê đã ủng hộ số tiền trên 270 triệu đồng. 100% các tuyến đường được hoàn thành đều do sức dân đóng góp. Sau khi đường giao thông được hoàn thành, hệ thống điện thắp sáng cũng đã được nhân dân tự nguyện đóng góp lắp đặt trên tất cả các tuyến đường. Có điện, đường, không chỉ thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại của bà con nhân dân mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh, trật tự thôn xóm.
Hiệu quả đạt được trong phong trào làm đường giao thông nông thôn ở thôn Lệ Bảo đã tạo nên một diện mạo mới cho những vùng đất thuần nông, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Mỗi đoạn đường thôn, xóm được bê tông hóa là một minh chứng cho sự đồng lòng, nhất trí của cộng đồng dân cư.
Minh Nguyệt
baothaibinh.com.vn