Năm 1984, chị lập gia đình, cuộc sống hai vợ chồng trẻ chỉ trông vào vài sào đất trồng lúa, ngô nên luôn thiếu trước hụt sau. Năm 1989, xã có chủ trương cho đấu thầu 4,5ha hồ cạn với mức 6 tạ cỏ và 1 tạ thóc/năm, nhưng chẳng ai nhận. Chị Lựu bàn với chồng thầu khu hồ ấy thả cá, trồng lúa. Nghe vợ đưa ra ý tưởng “khùng khùng”, chồng chị phản đối kịch liệt. Nhưng rồi cuối cùng anh cũng đồng ý và xúm tay thực hiện ý tưởng của vợ.
Chị Lựu thu hoạch cỏ làm thức ăn chăn nuôi. |
Vợ chồng chị ngày ngày đào đất, vét bùn cho hồ rộng và sâu hơn rồi dẫn nước về. Vét hết vốn liếng trong nhà, vay mượn hàng xóm được 500.000 đồng chị mua cá giống. Diện tích ven hồ, vợ chồng chị cải tạo để trồng lúa nước. Gần cả năm chăm sóc hồ cá, những tưởng sẽ thu được mẻ cá lớn, nào ngờ năm ấy trời mưa to, hồ bị ngập trong biển nước. Bao nhiêu cá trong hồ theo nước lũ đi sạch. Tay trắng, nợ chồng nợ, nhưng tiếc công, tiếc của, chị quyết định bán nốt con nghé của nhà lấy tiền mua cá giống, thức ăn cho cá...
Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng chị trồng lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình và thức ăn cho vịt, bán thóc lấy tiền đầu tư thức ăn cho cá. Cùng với nuôi cá, chị còn nuôi hơn 200 con vịt đẻ, 4 con trâu, bò để lấy sức kéo, xung quanh hồ trồng vải thiều.
Công sức của vợ chồng chị đã được đền đáp xứng đáng. Giờ đây anh chị có một hồ cá rộng nhất huyện với diện tích hơn 3ha, mỗi năm thu 3-4 tấn cá các loại với doanh thu cả trăm triệu đồng; hơn 1ha trồng lúa nước, mỗi năm cho 4- 5 tấn lúa; hơn 200 gốc vải thiều, mỗi vụ cũng có chục triệu đồng; hơn 50 thùng ong lấy mật, trong nhà chị lúc nào cũng có trên 1 tạ mật ong để bán.
Có vốn, vợ chồng chị nuôi 20 con bò và trâu mộng, 8 con lợn nái, hàng chục con lợn thịt, vài trăm con gà. Chị cho biết, thu nhập từ vườn - ao - chuồng, mỗi năm, trừ hết chi phí vẫn còn hơn 200 triệu đồng...
Tiên phong áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới; tận tình giúp đỡ mọi người, chị được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn.
Cẩm Oanh - Hồng Đức
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn