Cách đây 8 năm, bà Vũ Thị Phương (51 tuổi, ngụ TP HCM) lên Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lậpnông trại trồng hoa lily sau khi “bị một người bạn rủ rê”. Ban đầu, bà Phương tính chỉ làm vài sào hoa lily cho thỏa đam mê chứ không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với nghề này. Sở dĩ nghĩ vậy vì thời điểm đó, bà đang là một nhà phân phối các mặt hàng tiêu dùng ở TP HCM với tổng doanh thu mỗi năm hàng chục tỉ đồng.
Bỏ làm bà chủ về làm nông
Ngày bà Phương công bố từ bỏ kinh doanh ở TP HCM để lên Đà Lạt làm nông thực sự đã gây sốc cho nhiều người. Ai cũng hết lời ngăn cản, có người chê dại bởi khi đó bà Phương đang là bà chủ lớn “nắng không tới mặt, mưa không ướt đầu”, nay bỗng từ bỏ mọi thứ lên núi chấp nhận thân phận “chân lấm tay bùn”. Nhưng rồi sự ngăn cản của gia đình, bạn bè không đủ sức níu chân bà ở lại.
Bà Vũ Thị Phương và vườn hoa lily tuyệt đẹp Ảnh: Thạch Thảo
Làm chung với bạn được một thời gian ngắn, bà Phương “liều mình” ra thuê đất lập nông trại lily Tường Vy (ở làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt). Nói là liều vì lúc bấy giờ, bà hoàn toàn không nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc loại hoa này.
Bây giờ nghĩ lại chuyện khởi nghiệp làm nông, bà Phương vẫn cho rằng mình là phụ nữ lì lợm, dám đầu tư ngót cả tỉ đồng trồng lily - loài hoa khó tính. Bà Phương còn nhớ như in lứa hoa đầu tiên thất bại vì cây phát triển không đều, bông nở, bông không… Lựa chọn những hoa đẹp nhất chào hàng khắp nơi mà vẫn bị chê lên chê xuống.
Tuy vậy, bà kiên trì học hỏi kỹ thuật ở những người đi trước, từ sách vở và áp dụng một cách sáng tạo vào nông trại của mình. “Gái có công, chồng không phụ”, thất bại ban đầu với bà chỉ là bài học, những lứa lily sau đó đã nhanh chóng được cải thiện chất lượng.
Bà Phương cho biết hiện nông trại hoa lily của bà có diện tích 2,5 ha và đang tiếp tục được mở rộng. Tất cả diện tích hoa lily của bà đều được trồng theo hướng công nghệ cao giúp cây sạch bệnh và phát triển tốt. Hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương. Giống hoa đều nhập từ Hà Lan, ươm cho nảy mầm rồi mới đem trồng. “Hiện trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí, nông trại hoa lily của tôi thu về hơn 3 tỉ đồng tiền lãi” - bà Phương chia sẻ.
Mô hình đáng học hỏi
Nhìn ngôi nhà khang trang, đủ mọi tiện nghi đắt tiền, mấy ai biết cách đây chưa lâu, gia đình ông Nguyễn Văn Thi (ngụ thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) phải làm quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn.
Ông Thi tâm sự: “Hồi đó, sau mấy chục năm làm ăn mà nhìn lại thì bạn bè kinh doanh, buôn bán đua nhau xây biệt thự, sắm xe hơi còn mình thì toát mồ hôi kiếm sống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định chuyển sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hướng tới đối tượngngười tiêu dùng “có tiền”. Vậy là bao nhiêu tiền của tích góp được rồi vay mượn thêm, tôi đầu tư trồng rau bó xôi trong nhà kính. Vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước, ban đêm rảnh rỗi lại lên mạng mày mò cách chăm sóc, xử lý sâu bệnh… Sau 3 tháng xuống giống, trang trại bó xôi non xanh mơn mởn dưới chân núi Lang Biang bắt đầu cho thu hoạch”.
Ngặt nỗi, vào thời điểm đó lại đúng lúc giá rau bó xôi xuống rất thấp, thương lái “õng ẹo”. Sau bài học này, quyết không để thương lái làm giá, vợ chồng ông Thi đem rau xuống TP HCM chào hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị… Sau những lần kiên trì chào hàng, chính gia đình ông Thi cũng không ngờ cùng lúc 2 hệ thống siêu thị lớn hàng đầu là Big C và Metro đặt vấn đề ký hợp đồng mua rau dài hạn.
Có đầu ra ổn định, ông Thi mạnh dạn mở rộng diện tích lên 1 ha trong nhà kính, sản xuất theo hướng công nghệ sạch. Hiện đều đặn mỗi ngày, nông trại của nông dân này thu hoạch khoảng 7 tạ rau bó xôi. Mỗi tháng trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về 100 triệu đồng tiền lãi; góp phần tạocông ăn việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ bí quyết trở thành một tỉ phú nhờ trồng rau, ông Nguyễn Văn Thi nói ngắn gọn: “Dám nghĩ, dám làm, kiên trì học hỏi, xúc tiến mở rộng thị trường”.
Ông Trần Phi, cán bộ khuyến nông xã Lát, cho biết trang trại trồng rau bó xôi của gia đình ông Thi là mô hình nông nghiệp công nghệ cao có quy mô và bài bản nhất tại địa phương. Liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị là mô hình hay, người trồng không còn phải lo đầu ra mà yên tâm sản xuất. “Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình của gia đình ông Thi cho người dân địa phương, hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập”- ông Phi nói.
Kỳ tới: Làm giàu từ cây ngũ quả
Làng Thần Kỳ Nhật Bản tại Việt Nam
Sau nhiều năm khảo sát thực địa, lấy mẫu đất và nước đi kiểm định, đồng thời theo dõi điều kiện khí hậu, những ông chủ người Nhật đã kiến tạo nên một ngôi làng mang tên Thần Kỳ tại xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Tháng 4-2014 vừa qua, lứa rau xà lách Mỹ thử nghiệm đầu tiên tại làng Thần Kỳ đã được đưa ra thị trường với thành công ngoài mong đợi. Chất lượng rau tương đương rau trồng tại làng Kawakami của Nhật, không ít những gốc xà lách Mỹ nặng tới 1,2 kg. Hiện toàn bộ quy trình sản xuất rau tại đây đều theo công nghệ và tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Làng Thần Kỳ của người Nhật trên đất Lâm Đồng là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho Việt Nam mà trực tiếp là Lâm Đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn