Tinh bột nghệ Can Lộc “bay” muôn nơi
Từ đầu năm đến nay, tinh bột nghệ An Tâm đã tham gia khoảng 15 hội chợ để kết nối tiêu thụ |
Vừa trở về từ hội chợ xúc tiến thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, anh Trần Bá Quang – chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ An Tâm lại tất bật sửa soạn hàng hóa kịp đơn hàng giao cho khách.
Anh Quang chia sẻ: “Năm nay, thông qua kênh của Hội Nông dân, Liên minh HTX, Sở Công thương, cơ sở đã tham gia khoảng 15 hội chợ ở các tỉnh. Từ các hội chợ, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm trở nên dễ dàng hơn”.
Anh Trần Bá Quang (bên trái - PV) cùng công nhân đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng |
Nhờ xúc tiến thương mại qua các hội chợ, mới 9 tháng đầu năm, cơ sở sản xuất tinh bột nghệ An Tâm đã bán được hơn 1,6 tấn tinh nghệ các loại (bao gồm sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong).
Với giá trung bình 500.000đ – 550.000đ/kg, cơ sở của anh Quang đạt doanh thu từ 800 – 880 triệu đồng. Doanh thu này cao hơn 1/3 so với cả năm 2018.
Công nhân cơ sở sản xuất tinh bột nghệ An Tâm đóng gói sản phẩm theo quy trình
Anh Trần Bá Quang chia sẻ: “Trước đây tôi làm việc trong chuỗi công ty sản xuất tinh bột nghệ ở Vũng Tàu nên đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhận thấy tiềm năng sản xuất tinh bột nghệ ở vùng trà sơn huyện Can Lộc, tôi trở về quê gây dựng cơ sở.
Từ chỗ ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, tháng 11/2018, sau khi được cấp chứng nhận thương hiệu và hoàn thành truy xuất nguồn gốc thì sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường”.
Tinh bột nghệ An Tâm đã có truy xuất nguồn gốc nên được thị trường tin dùng, ưa
chuộng
Đặc biệt, trong năm 2019, sản phẩm tinh bột nghệ An Tâm được chính quyền huyện Can Lộc lựa chọn là 1 trong 5 sản phẩm OCOP của tỉnh nên việc kết nối tiêu thụ của cơ sở chế biến tinh bột nghệ An Tâm trở nên rộng mở hơn.
Từ cây tự nhiên thành cây trồng hàng hóa
Không chỉ làm giàu với sản xuất tinh bột nghệ, từ hoạt động thu mua nghệ trên địa bàn, anh Trần Bá Quang còn góp phần đưa nghệ trở thành cây trồng hàng hóa cho bà con nông dân các xã: Thượng Lộc, Đồng Lộc, Gia Hanh. Như năm 2019, cơ sở chế biến tinh bột nghệ An Tâm thu mua hơn 40 tấn nghệ tươi cho bà con nông dân.
Từ năm 2017 đến nay, bà Trần Thị Tùng (xã Thượng Lộc) chuyển hướng sản xuất cây nghệ hàng hóa để nâng cao thu nhập |
Bà Trần Thị Tùng (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Trước đây, cây nghệ thường mọc tự nhiên xen với các loại cây trồng khác trong vườn. Từ năm 2017, cây nghệ được cơ sở chế biến tinh bột nghệ An Tâm thu mua bền vững nên tôi chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa.
Hiện nay, trong vườn của gia đình đã canh tác được hơn 1 ha diện tích nghệ, với giá thu mua từ 12.000 – 15.000đ/kg, mỗi năm cây nghệ mang lại nguồn thu trên 25 triệu đồng”.
Cây nghệ chủ yếu được người dân trồng xen canh trong vườn
Theo ước tính sơ bộ, 3 xã vùng trà sơn: Thượng Lộc, Đồng Lộc, Gia Hanh hiện trồng hơn 15 ha diện tích nghệ, chủ yếu là trồng xen canh trong vườn nhà.
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Hiện nay, cây nghệ được nhiều bà con trồng xen canh giữa các vườn cây ăn quả để giữ cho đất tơi xốp và tăng thêm thu nhập. Đây cũng là một hướng đi bền vững nên hi vọng thời gian tới, cơ sở sản xuất tinh bột nghệ trên địa bàn có hướng liên kết bền vững để thúc đẩy bà con nhân rộng diện tích”.
Sản phẩm tinh bột nghệ viên mật ong của cơ sở sản xuất An Tâm
Liên kết trồng nghệ và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn cũng là chiến lược mà cơ sở chế biến tinh bột nghệ An Tâm xây dựng trong thời gian tới.
“Hiện nay, nghệ tươi trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được 50% sản xuất của cơ sở, còn lại chúng tôi phải thu mua nghệ ở các vùng miền khác. Cơ sở đang kết nối với chính quyền địa phương để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây nghệ, đưa các ứng dụng kỹ thuật, đặc biệt là giống nghệ đỏ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tinh nghệ” – Chủ cơ sở chế biến tinh bột nghệ An Tâm Trần Bá Quang nhấn mạnh.
Theo Quang Minh - Thảo Hiền/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn