Đào tạo theo nhu cầu Sau khi được nhận vào làm việc tại một công ty ở Cụm công nghiệp Trường Xuân, 2 năm nay, kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Kim Tuyến ở khối phố Phú Phong (phường An Phú) ổn định hơn hẳn. Chị kể: “Được sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên, mình được học lớp nghề may công nghiệp. Sau khóa đào tạo, Đoàn phường phối hợp với các công ty trực tiếp xuống tuyển dụng, và mình có việc làm từ đó”. Đến nay, chị Tuyến là công nhân may lành nghề, thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Tuy mức lương không cao nhưng cũng giúp chị tiết kiệm được nhiều khoản chi phí khác do làm việc ở gần nhà. Theo anh Phạm Xuân Đồng, Bí thư Đoàn Thanh niên phường An Phú, chị Tuyến chỉ là một trong nhiều thanh niên ở An Phú được Đoàn Thanh niên phường hỗ trợ học nghề và tạo việc làm trong những năm qua. Dù khó khăn, hạn hẹp về nguồn kinh phí, nhưng Đoàn xác định việc đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là phong trào xung kích, tạo nhiều cơ hội hơn cho tuổi trẻ nhanh chóng có việc làm ổn định. “Đoàn đã chủ động phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng, các trung tâm dạy nghề của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... mở lớp đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các bạn trẻ”, anh Đồng nói. Phường An Phú hiện có khoảng 1.200 thanh niên, trong đó khoảng 70% có việc làm ổn định. Từ năm 2011 đến nay, Đoàn tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề cho gần 100 đoàn viên, thanh niên với các ngành nghề như nuôi nhông thương phẩm, may công nghiệp, nuôi gà thả vườn, tin học. “Mình không đào tạo tràn lan mà lựa chọn nghề phù hợp với thanh niên địa phương để học xong họ tìm được việc làm phù hợp. Ngoài thành công của lớp may công nghiệp, nhiều học viên của lớp nuôi nhông, nuôi gà cũng đã vay vốn xây dựng mô hình chăn nuôi và bước đầu có thu nhập”, anh Đồng tâm sự. Làm giàu trên quê hương Tâm sự với chúng tôi, anh Phạm Văn Việt ở Phú Phong (An Phú) tự hào nói: “Năm 2010, Đoàn phường tạo điều kiện cho mình đi học lớp nuôi nhông thương phẩm trên cát. Sau khi hoàn thành khóa học, được hỗ trợ con giống để nuôi thí điểm, mình mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 200m2, thả 20kg nhông giống, lần đầu xuất bán lãi hơn 20 triệu đồng”. Hiệu quả ban đầu đã cho Việt sự tự tin để theo đuổi mô hình. Việt chia sẻ: “Vì đặc thù của nơi mình sinh sống là đất cát nên mô hình nuôi nhông khá thuận lợi, nhông cũng không đòi hỏi công chăm sóc. Mong muốn này là có nhiều kênh vay vốn hơn và tăng mức tiền vay để có thể mở rộng quy mô của mô hình”. Còn Nguyễn Cao Trí lại làm giàu theo cách khác. Bằng sự nhạy bén của mình, anh cùng nhiều thanh niên góp vốn gây dựng nên Công ty Xây dựng Kỳ Phú, trở thành gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi của TP.Tam Kỳ. Trí cho biết: “Công ty hiện có gần 40 LĐ, trong đó quá nửa là LĐ trẻ, thu nhập bình quân 160.000 – 180.000 đồng/người/ngày. Mình không có tham vọng giúp hết được các bạn trẻ ở An Phú, nhưng trong điều kiện có thể, mình sẵn sàng nhận vào làm việc”. Nhiều bạn trẻ ở An Phú khi đi học ngành xây dựng ở các trường cao đẳng, trung cấp đều được công ty nhận về thực tập, hướng dẫn để các bạn học hỏi kinh nghiệm, có kiến thức thực tế. Cũng từ đây, nhiều thanh niên đã “bay” cao hơn trên con đường lập nghiệp, được nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở các tỉnh, thành chọn lựa với mức lương khá cao. “Nguyễn Cao Trí, Phạm Văn Việt chỉ là hai điển hình trong khoảng 100 thanh niên làm kinh tế giỏi ở An Phú. Sự thành công này có phần đóng góp của Đoàn Thanh niên trong việc hỗ trợ, đồng hành với các bạn trẻ trong lập thân, lập nghiệp. Đó vừa là nhiệm vụ chính trị của Đoàn cấp trên giao phó, vừa là giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ vững trật tự, an ninh trên địa bàn phường, đồng thời góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, anh Đồng tự hào nói. A.Trâm - Đ.Đạo Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn