Trong khi không ít các địa phương trên địa bàn huyện Đức Thọ đang loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn thì ở xã Tùng Ảnh, mô hình “tổ hợp chăn nuôi lợn, sử dụng bể Biogas Composite” là một trong những mô hình đang dần trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế hộ gia đình nơi đây, bởi sự phù hợp và tính hiệu quả của nó đối với người nông dân.
“Tổ hợp chăn nuôi, sự dụng bể biogas” là mô hình phát triển kinh tế nằm trong Đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015, do Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhằm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đây là mô hình kinh tế có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Ưu thế của mô hình này trước hết được thể hiện trong việc tạo công ăn, việc làm tại chổ cho lao động địa phương; đáp ứng và cung cấp nhu cầu thực phẩm an toàn cho nhân dân và phục vụ cho công nghiệp chế biến; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chính vì thế, ngay sau khi triển khai, mô hình đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Thọ tiếp nhận và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tùng Ảnh tổ chức thực hiện thí điểm.
Với phương châm “vừa làm, vừa học”, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty TNHH TM Hoàng Long, Công ty thức ăn Thiên Lộc, sự hỗ trợ của các cấp uỷ Hội phụ nữ, các hội viên Hội phụ nữ xã Tùng Ảnh đã mạnh dạn đăng ký đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại, làm bể Biogas đầu tư con giống để phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện đến nay toàn xã đã xây dựng được 42 hộ chăn nuôi lợn kết hợp với biogas và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều hộ đã mở rộng quy mô chuồng trại từ 10 - 15 con lên 25 - 30 con như: gia đình chị Thu Sơn – thôn Thông Tự, chị Hương Phúc – thôn Châu Trinh, Chị Hương, chị San – thôn Đông Thái 1… Thu nhập của các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình cũng vì thế tăng lên, trung bình lãi ròng mỗi hộ thu được từ một lứa xuất chuồng đạt 6 – 10 triệu đồng/chuồng, ngoài ra các hộ gia đình còn tiết kiệm được các khoản chi tiêu dùng để mua nguyên liệu đun nấu, điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
|
Xây dựng bể biogas vừa xử lý chất thải chăn nuôi, vừa tạo ra khí đun nấu và thắp sáng phục vụ sinh hoạt. |
Chị Lê Thị Ái - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Tùng Ảnh cho biết “mô hình tổ hợp chăn nuôi lợn, sử dụng bể biogas tuy mới được áp dụng nhưng bước đầu đã thể hiện những ưu điểm với các hình thức chăn nuôi trước đây, ngoài việc tận dụng được nguồn thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp mà bà con nhân dân làm ra, tận dụng và xử lý được lượng phân thải để phục vụ sinh hoạt, phục vụ sản xuất nâng cao thu nhập thì mô hình còn cho phép người nông dân phối hợp sản xuất thành liên minh theo hình thức hợp tác xã, cho phép người nông dân hổ trợ lẫn nhau về nguồn giống, về kỷ thuật chăn nuôi, giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm…”.
Tuy nhiên, do đây là mô hình chăn nuôi mới, lần đầu tiên được áp dụng lại cần nguồn vốn lớn, kỷ thuật cao nhưng mô hình “Tổ hợp chăn nuôi lợn, sử dụng bể Biogas” ở Tùng Ảnh vẫn là hướng đi đúng, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và cần được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Ngô Ngọc Hân
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đức Thọ