Anh Nguyễn Văn Trình chăm sóc đàn lợn.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Trình, anh không có nhà, nhưng may mắn tôi được chuyện trò cùng với nữ chủ nhà - chị Bùi Thị Hương, năm nay 45 tuổi.
Chị Hương kể với chúng tôi, con đường gian truân lập nghiệp của vợ chồng chị. Câu chuyện cuốn hút tôi với nghị lực của người phụ nữ đảm đang, vượt lên bệnh tật, vượt lên khó khăn, chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi, kết hợp kinh doanh có hiệu quả, nuôi 2 con ăn học trưởng thành, luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con trong lói xóm.
Rồi chị dẫn tôi đi thăm chuồng trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, khu trang trại nối ngay sau khu nhà ở của chị Hương, với 250 ô chuồng kín đàn, lợn choai, lợn gột, lợn xuất chuồng, các lứa gối nhau.
Nghĩ lại chuyện ngày xưa chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình nuôi một hai con lợn, 1 năm 2 lứa xuất, cũng mất một công lao động chăn nuôi, rau bèo, cám bã. Rồi 1 tháng, 2 tháng lại phải lấy phân từ chuồng lợn ra ủ ngoài đồng. Chuồng gạch liền hố chứa phân, ruồi muỗi, xú uế mất vệ sinh. Ấy vậy mà tiền nuôi lợn 1 năm cũng chẳng được là bao.
Giờ thì hàng trăm con lợn nuôi cũng chỉ cần 2 lao động, có điện, có nước giếng khoan, rửa chuồng trại, quả là “nước trong leo lẻo tắm mát cho từng con”. Những chú lợn ăn no, tắm mát, sạch sẽ, mỏng da, lông mượt, đẹp như tranh vẽ, cứ thế mà lớn từng ngày, rút ngắn được chu kỳ chăn nuôi, từ 2 lứa/năm trước đây, giờ 1 năm/3 lứa.
Không chỉ tăng lứa, tăng đàn, nhờ thức ăn cám bã công nghiệp, có nấu cám cũng đỡ vất vả hơn, bởi nấu bằng bếp gas khí sinh học từ hầm biogas của chuồng trại chăn nuôi. Lợn xuất chuồng cũng đạt 70-80kg/con là chuyện thường.
* * *
Nuôi lợn công nghiệp như bây giờ, năng suất lao động chẳng phải gấp ba, gấp bảy, chẳng phải gấp năm, gấp mười, mà gấp tới con số hàng trăm. Thật xứng danh người giỏi chăn nuôi.
Mấy năm nay dịch bệnh, đàn lợn nhà chị có năm nào bị bệnh dịch không? Tôi hỏi.
- Gia đình em chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng thú y thường xuyên, nên ở vùng này có dịch bệnh, chuồng trại nhà em vẫn an toàn.
Thế còn tiêu thụ, nuôi quy mô lớn, gia đình mình có hợp đồng tiêu thụ với nơi nào không?
- Nuôi ít mới khó, nuôi nhiều tiêu thụ lại dễ. Các lò mổ, các đại lý biết lịch xuất chuồng đánh cả ôtô về chở lợn, chả bao giờ nhà em ế.
Bán nhiều thì giá cả thế nào?
- Cũng như giá của thị trường thôi, nhưng với giá của thị trường thì trang trại nhà em đã lãi hơn người ta, bởi lượng xuất chuồng lớn, lao động chăn nuôi ít, giá thành trong chăn nuôi giảm do mình có kinh nghiệm.
Như thời giá hiện nay mỗi lứa xuất chuồng lãi được bao nhiêu?
- Giá thì thị trường lên xuống, như thời điểm này đang được giá, trừ chi phí mỗi con lợn xuất chuồng cũng lãi khoảng 700.000 đồng, một năm cứ tính xuất chuồng 700 con… nhưng chị đừng nói lời lãi, bởi dân ở đây họ không thích, lại bảo mình khoe khoang.
Đang nói chuyện và xem đàn lợn ngoài trang trại, có tiếng người gọi ở cửa trước, chị Hương xin phép chúng tôi về bán cám cho người mua. Gian hàng của chị là nhà cấp 4 kề bên. Chị là đại lý bán thức ăn chăn nuôi, cũng có máy chế biến ngô, đỗ, cho bà con trộn cám. Trong gian hàng nhỏ còn có tủ kính, bán cả thuốc thú y.
Tôi hỏi về chuyện bán thuốc thú y, chị bộc bạch: Cả hai vợ chồng em đều dự các lớp bồi dưỡng thú y của huyện. Trước là học để tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình, sau giúp bà con họ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chị xây dựng chuồng trại chăn nuôi từ bao giờ, với quy mô như thế này có phải vay vốn của ngân hàng không?
- Có chứ. Lúc đầu gia đình em cũng khó khăn lắm.
Rồi chị kể cho tôi nghe những ngày đầu gian nan lập nghiệp.
- Ngày mới cưới, chúng em ở trong làng cùng với bố mẹ. Sau anh Trình đi làm ở Quảng Ninh gom góp được ít tiền chúng em mua đất dãn dân năm ấy là năm 1993, không đủ tiền phải vay của bố mẹ, họ hàng. Em ở nhà nuôi con nhỏ, còn chồng thì đi vượt đất, làm thuê, tích cóp được ít tiền, năm 1996 xây nhà cấp 4 (ngôi nhà để bán thức ăn chăn nuôi hiện nay). Do lao động vất vả, mới xây nhà xong, lại công nợ, mà cháu thứ hai thì mới sinh 3 tháng, em ốm nặng, phát hiện ra ở giai đoạn “khớp đớp tim”.
Từ đấy (năm 1997), chồng em không đi làm xa được, phải tính chuyện làm gần nhà để chăm sóc vợ con. Dù chưa trả công nợ, vợ chồng em vẫn “cả gan” vay ngân hàng 1 triệu đồng để mua máy xay xát gạo cho hàng xóm, vừa lấy cám bã chăn nuôi, vừa xay ngô đỗ phục vụ chăn nuôi cho gia đình và bà con.
Lúc ấy cũng chỉ là chăn nuôi nhỏ, bởi diện tích đất em mua không đủ xây nhà và chuồng trại chăn nuôi. Mấy năm sau khoảng năm 2002, HTX dồn điền đổi thửa, em bàn với chồng đổi hết ruộng cấy lúa các miếng lẻ giữa đồng lấy mảnh ruộng sát nhà em.
Thế là em có đất mở rộng chuồng trại chăn nuôi, về sau tổng cộng dồn đổi được 3 sào liền với khu nhà mình ở, em cũng tích cóp mua thêm được vài sào, đủ đất xây chuồng trại chăn nuôi lớn, diện tích còn lại lên vườn trồng cây cảnh.
Có phải gia đình chị là người đầu tiên dồn điền đổi thửa, để chăn nuôi công nghiệp và làm vườn thay chăn nuôi nhỏ và cấy lúa trước đây?
- Năm 2002 gia đình em xây dựng chuồng trại chăn nuôi công nghiệp quy mô tổng đàn 250 con/lứa, vốn đầu tư không đủ phải vay ngân hàng hạn mức tăng dần từ 100, rồi lên 200 triệu đồng, bây giờ được vay 400 triệu đồng. Thu nhập từ máy xay xát, làm đại lý bán thức ăn chăn nuôi và thu nhập nuôi lợn, hơn hẳn trước đây cấy lúa và đi làm thuê. Gia đình em trang trải được nợ nần, năm nào cũng trả xong nợ với ngân hàng, lại được vay tiếp.
Có tích lũy và năm 2005 thì xây được nhà 2 tầng khang trang nhất khu xóm mới. Bây giờ làm đại lý bán thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng kể cả lượng thức ăn cho trang trại của gia đình tiêu thụ trên dưới 20 tấn, lúc nhập hàng thức ăn chăn nuôi, nhập đàn giống, cũng phải trả tiền ngay, nên vẫn phải vay ngân hàng để trả. Khi xuất lợn, có thu nhập lại trả nợ ngân hàng. Chuyện làm ăn thì phải vay, phải trả, cũng là bình thường.
Năm 2007 em phải vào Sài Gòn phẫu thuật tim. Cũng may bây giờ khoa học tiến bộ, bệnh tật được chạy chữa, nên sức khỏe của em cũng khá hơn. Làm nhiều thì cũng mệt, nhưng nghỉ không làm gì, ươn người lại ốm thêm.
Bận rộn và cố gắng vượt lên bệnh tật làm việc, chị Bùi Thị Hương không chỉ là “người giỏi chăn nuôi”, chị xứng đáng là nông dân tiên tiến của thời kỳ đổi mới.
“Tôi đến thăm nhà người giỏi chăn nuôi”, câu hát cứ vương vấn khi tôi chia tay chị Hương “Nghĩ về non nước ta càng mến yêu người”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn