Về Can Lộc hỏi anh Nguyễn Viết Trường ở xã Tùng Lộc hẳn mọi người đều biết đến, bởi anh là một Bí thư chi đoàn xuất sắc, lại vừa là chủ nhân của Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu nếp Trường - Việt đã được suy tôn là một trong những gương mặt trẻ điển hình trong phong trào Thanh niên lập thân, lập nghiệp, sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Can Lộc.
Anh Nguyễn Viết Trường tại Festival thanh niên nông thôn toàn quốc 2012
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đông Quang Trung, xã Tùng lộc huyện Can Lộc, anh Nguyễn Viết Trường thấu hiểu sâu sắc về nỗi vất vả của bố mẹ và bà con nông dân ở đây, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám mãi. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Viết Trường quyết định ở nhà làm ăn để giúp đỡ bố mẹ. Qua bao đêm trăn trở, vật lộn với câu hỏi: phải làm gì và làm như thế nào để giúp bố mẹ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê mình? Thế rồi anh đã cất công đi tìm hiểu để học hỏi cung cách làm ăn của một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện, làm thử nghiệm mô hình kinh tế V.A.C rồi một vài nghề khác nhưng không thành do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu. Cuối cùng, Nguyễn Viết Trường đã quyết định về mở lò chưng cất rượu nếp truyền thống ngay trong khuôn viên nhà mình ở giữa làng để vừa tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân, vừa tận dụng được phụ phẩm để phục vụ chăn nuôi. Không chỉ dừng ở đó, chàng thanh niên này còn hy vọng nếu sản phẩm của mình đảm bảo chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng thì chắc chắn sẽ có thu nhập ổn định. Thanh niên đã quyết là làm, bước đầu anh bàn với bố mẹ dùng số vốn ngân hàng cho vay hộ nghèo để đầu tư xây lò và mua sắm dụng cụ nấu rượu thủ công, đem những kiến thức và kinh nghiệm mình đã học hỏi được cộng với tìm hiểu thêm từ sách báo và các trang mạng để chỉ đạo bố, mẹ và em cùng chung tay góp sức. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và luôn biết lấy chữ tín làm đầu nên sản phẩm rượu nếp của anh sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Số vốn tích lũy được anh tập trung vào đầu tư mua sắm thêm máy móc, phương tiện phục vụ cho sản xuất và xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu, nhờ uy tín và chất lượng hàng hóa đã tạo nên thương hiệu và mở rông thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho anh. Đặc biệt từ năm 2011 đã có thêm một số bạn bè cùng quê đang sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện đầu tư thêm vốn vào để anh thành lập Doanh nghiệp Rượu nếp Trường – Việt. Từ đó anh mua thêm máy lọc khử Andehit, máy dập nút chai và thay đổi mẫu mã cho bắt mắt hơn để đáp ứng kịp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Giờ đây, hương vị rượu nếp Trường – Việt đã được bay xa vào tận Thành phố Hồ Chí Minh và những miền đất khác do chính những người bạn của anh làm vệ tinh phân phối hàng.
Chàng thanh niên Nguyễn Viết Trường chỉ mới 24 tuổi, chưa lập gia đình riêng nhưng bây giờ đã là ông chủ của một Doanh nghiệp có cơ ngơi bề thế với tổng số vốn lưu động và giá trị tài sản hơn 500 triệu đồng, với sản lượng 3 vạn chai rượu nếp mỗi năm đạt doanh thu 400 triệu đồng. Doanh nghiệp rượu nếp Trường – Việt đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 đoàn viên nghèo có thu nhập ổn định và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân bình quân 4 tấn nếp mỗi năm.
Với cương vị là một Bí thư chi đoàn, anh Nguyễn Viết Trường còn biết khéo léo lồng ghép các kiến thức làm ăn và kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình vào các buổi sinh hoạt Chi đoàn, nhờ đó đã thu hút, tập hợp được ngày càng đông các bạn Đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, lại vừa hăng say, nhiệt tình với công tác Đoàn, anh Nguyễn Viết Trường thật xứng với tên gọi trìu mến mà bà con trong làng thường gọi "Triệu phú sinh ra từ làng".