Tại một số xã có diện tích ao đầm, đất trũng ở tỉnh Hưng Yên, nhiều hộ dân đang áp dụng hình thức xen canh: Thả củ ấu gai - trồng lúa - nuôi cá.
Nông dân xã Thụy Lôi thu hoạch ấu
Ấu là cây thuỷ sinh, thích hợp với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm, có sức sống tốt. Ấu rất dễ trồng, vốn đầu tư ít, chỉ cần mua dây giống về thả, rắc phân bón. Sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, nông dân ngâm bùn cùng rạ khoảng 1 tuần để tạo chất mùn và tiến hành xuống giống để ấu nhanh bén rễ. Cây ấu cho thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối mùa đông. “Trồng ấu khá đơn giản. Đối với những đầm hoặc ruộng đã trồng ấu vụ trước, khi ấu già chưa kịp thu hoạch, củ sẽ rụng xuống bùn, năm sau sẽ tự mọc mầm. Ấu mọc từ củ rụng có chất lượng tốt hơn ấu thả dây, vừa không mất tiền mua giống, lại đỡ mất công làm đất, giảm chi phí đầu vào”, bà Nguyễn Thị Thơm ở xã Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ có kinh nghiệm trồng ấu trên 20 năm cho biết. Hiện tại, 1 kg củ ấu bán buôn có giá 12.000 - 15.000 đồng. Nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 2 tạ/sào, cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với cấy lúa. Với diện tích 2 mẫu đất ruộng trũng, riêng trồng ấu, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Vũ Thuấn (cũng ở Thụy Lôi) thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài trồng ấu, tại các vùng ruộng trũng, nhiều hộ nông dân còn kết hợp cấy 1 vụ lúa và thả cá. Cuối đông, khi cây ấu tàn, họ tiến hành cấy lúa xuân. Sau khi thu hoạch lúa, lại làm đất xuống giống ấu. Trong quá trình trồng ấu sẽ kết hợp nuôi cá thâm canh. Khi cây ấu khép tán kín mặt nước, mới thả cá. Trồng ấu kết hợp thả cá là mô hình mang lại hiệu quả “kép”. Theo kinh nghiệm của những người trồng ấu lâu năm, lá ấu phát triển tốt sẽ hứng nắng, làm giảm nhiệt độ, hạn chế tình trạng cá chết nóng vào mùa hè. Mặt khác, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng sẽ diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại ấu. Đồng thời, phân cá thải ra còn là nguồn dinh dưỡng để cây ấu phát triển.